Điều đáng nói, có nhiều trường hợp biết, nhưng vẫn xây dựng sai quy định để rao bán kiếm lời.
Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp
Trong vai đi hỏi mua nhà giá rẻ, cách bán kính trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 6km, tôi được chị A (nhân viên một công ty bất động sản ở tỉnh Đắk Lắk) giới thiệu: “Em đang cần bán một căn nhà cấp 4 xây dựng kiên cố với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà vệ sinh… nội thất đầy đủ với diện tích 80m2. Tổng giá trị căn nhà và đất chỉ rơi vào khoảng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà cửa nằm trên đất nông nghiệp, không có thổ cư… Vì xây dựng trái phép nên mới có giá 800 triệu đồng. Nếu đầy đủ pháp lý đúng quy định thì căn nhà và đất này nằm ở giá gần 2 tỉ đồng”.
“Nếu người mua chồng đủ tiền ngay, chủ nhà sẽ giảm 50 triệu đồng. Tuần nào may mắn, em rao trên mạng xã hội cũng có người thu nhập thấp hỏi mua thành công” – chị A cho hay.
Vợ chồng anh T.Q.T (phường Tân Lợi) làm công nhân đã 20 năm. Đến nay, hai vợ chồng tích lũy được 1 tỉ đồng và dự tính mua nhà ở địa bàn phường Tân An để gần chỗ làm việc. Tuy nhiên, nhà xây sẵn ở địa bàn có giá tới 2,5 đến 3 tỉ đồng/căn.
Vì vậy, hai vợ chồng anh T đang tính phương án chọn mua một căn nhà cấp 4 với diện tích 70m2 xây trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép lên thổ cư. Vợ chồng anh T mua nhà qua các môi giới bất động sản rao trên mạng xã hội Facebook, Zalo.
Anh T chia sẻ: “Số tiền tiết kiệm của chúng tôi hạn chế, không thể vay thêm ngân hàng nên phải mua nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì cũng đành chấp nhận. Chỉ có làm theo cách bất đắc dĩ này, chúng tôi mới có ngôi nhà phù hợp với túi tiền”.
Thực tế, việc mua nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp của những người thu nhập thấp ở địa bàn đô thị Buôn Ma Thuột không phải là chuyện hiếm. Trong khi đó, giới kinh doanh vì nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của người dân nên đã bất chấp, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp để kiếm lời. Xét trên giá trị thực tế của đất và tiền xây nhà, khi giao dịch thành công, họ sẽ có lợi nhuận từ 30 – 35%/căn.
Ra quân xử lý
Lãnh đạo UBND phường Tân Lợi – chia sẻ: “Địa bàn phường có diện tích rất lớn, đa số các trường hợp vi phạm trên địa bàn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng không thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND phường. Từ đó, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây trái phép phải đề xuất lên cấp có thẩm quyền nên mất nhiều thời gian. Quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng vẫn chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã bị xử lý.
Từ đầu năm 2024 đến nay, địa bàn phường Tân Lợi có 10 trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất ở. UBND phường đã đề xuất UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng, buộc cưỡng chế các công trình vi phạm, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Tất cả các công trình này đã được cưỡng chế, phục hồi lại hiện trạng đất ban đầu theo quy định của pháp luật”.
Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột – cho biết: “Chúng tôi quyết tâm xử lý nghiêm tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Nơi nào vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Cơ quan chức năng cho chủ công trình thời gian 60 ngày khắc phục vi phạm hành chính nếu không tự giác tháo dỡ sẽ thực hiện cưỡng chế, khôi phục hiện trạng đất”.
“Nếu Chủ tịch UBND phường, xã nào để tái diễn tình trạng này (tùy theo mức độ nặng, nhẹ – PV) đều sẽ bị xử lý kỷ luật để làm gương. Ngoài ra, UBND thành phố đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng để người dân ở một số địa bàn yên tâm công tác, ổn định cuộc sống” – ông Hưng cho biết thêm.