Bi kịch của ‘thiên tài toán học’ Trung Quốc

Trung QuốcTừng là niềm tự hào của quê hương, được gọi là “cậu bé thiên tài” nhưng giờ Lưu Hán Thanh sống với trợ cấp 400 tệ mỗi tháng trong ngôi nhà xập xệ.

Ông Lưu, 60 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân ở Thái Châu, Giang Tô. Từ bé, cậu đã tỏ ra thông minh khác thường, thuộc lòng tất cả những cuốn sách kinh điển đã đọc và nổi tiếng với biệt danh thần đồng.

Dù gia đình không giàu có nhưng cha mẹ ông rất coi trọng việc học hành của con. Năm 1980, cậu trúng tuyển chuyên ngành xử lý nhiệt, học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân với số điểm gần tuyệt đối 398,5/400. Năm đó, cả Trung Quốc có tổng cộng 3,33 triệu người dự thi đại học nhưng chỉ có 280.000 người trúng tuyển.

Lưu Hán Thanh khi còn trẻ. Ảnh: Sohu

Lưu Hán Thanh khi còn trẻ. Ảnh: Sohu

Lưu Hán Thanh trở thành niềm tự hào của người dân quê. Cha ông mở tiệc mời cả làng. “Không ngờ một con phượng hoàng vàng lại có thể bay ra khỏi thôn nhỏ của chúng ta”, trưởng thôn khi đó phát biểu. Cả làng đưa ông Lưu đón thuyền sang sông đi học đại học trong tiếng cồng chiêng ồn ào.

Nhưng mọi thứ thay đổi vào năm thứ 3 đại học, khi Lưu biết đến Giả thuyết Goldbach của nhà toán học nổi tiếng Christian Goldbach. Vốn mê toán, biết đến giả thuyết này, Lưu bỏ tất cả các môn học chuyên ngành để ngày đêm nghiên cứu.

Mỗi ngày Lưu chỉ ngủ hai tiếng rồi ở lì trong thư viện. Nhà trường tạo điều kiện cho cậu sinh viên làm việc vặt ở khoa Toán đồng thời yêu cầu các giảng viên quan sát và xem xét kết quả nghiên cứu.

Nhưng các giảng viên Toán nhận thấy phương pháp suy luận của Lưu có vấn đề, không có cơ sở ngay từ đầu. Lưu không quan tâm đến nhận định của các giảng viên, cố chấp với phương pháp riêng.

Thành tích môn chuyên ngành của Lưu cũng tụt sâu. Trưởng khoa và cố vấn nhiều lần giục anh tập trung cho môn chính nhưng không được. Cuối cùng, Lưu không thể tốt nghiệp nên bị buộc thôi học.

“Hán Thanh rất thông minh, thành tích hai năm đầu đại học rất xuất sắc. Nhưng từ khi bị ám ảnh bởi toán học, cậu ấy đã hoàn toàn bỏ qua các môn học chuyên môn”, trưởng khoa nói khi mời cha Lưu đến trường thông báo kết quả.

Năm 1985, khi các sinh viên khác lần lượt được phân công làm việc tại Bộ Công nghiệp hàng không vũ trụ và các doanh nghiệp khác, Lưu Hán Thanh về quê.

Trở lại quê nhà, Lưu không tìm việc làm cũng không ra đồng với cha mẹ mà tiếp tục nghiên cứu. Cha mẹ ban đầu ủng hộ và tin tưởng con trai, nhưng thời gian trôi đi, sức khỏe suy giảm khiến niềm tin của họ lung lay.

30 năm qua, anh viết được một bài báo khoa học duy nhất. Một người bạn giúp đăng lên mạng xã hội nước ngoài, nhờ các chuyên gia quốc tế nhận xét. Một tiến sĩ toán học Phần Lan cho biết có quá nhiều sai sót, không xứng là một bài báo khoa học.

Năm 2007, sức khỏe của Lưu ngày càng trở nên tồi tệ, không thể chịu được việc thức cả đêm để nghiên cứu. Năm 2008, một trường trong thị trấn mời Lưu Hán Thanh về làm giáo viên tiểu học nhưng anh từ chối với lý do bị bệnh nặng.

Lưu sống trong ngôi nhà cũ đổ nát, chỉ còn một ngọn đèn trong bếp, không có đồ đạc gì đáng giá. Ông buộc phải nộp đơn xin trợ cấp sinh hoạt mỗi tháng 400 tệ (khoảng 1,4 triệu đồng).

Năm 2017, bạn học cũ biết về tình cảnh của Lưu đã kêu gọi bạn bè và mạnh thường quân giúp ông sửa nhà, mua một chiếc điện thoại và đăng ký thuê bao Internet.

Lưu Hán Thanh sống trong ngôi nhà cũ sập xệ để nghiên cứu toán học. Ảnh: 163.com

Lưu Hán Thanh sống trong ngôi nhà cũ sập xệ để nghiên cứu toán học. Ảnh: 163.com

Những năm gần đây, khi ở tuổi 60 Lưu Hán Thanh vẫn ở một mình, không vợ con, sống nhờ vào tiền trợ cấp sinh hoạt. Thi thoảng ông làm ruộng để có thu nhập.

Có lần, phóng viên hỏi “Ông có nghĩ mình thành công không? Có bao giờ ông nghĩ đến việc thay đổi thực tại?”. Lưu trả lời: “Thành công là gì? Có tiền, có sự nghiệp có nghĩa là thành công? Tôi nghĩ nếu học giỏi toán thì có thể gọi là thành công. Về phần mình, tôi không muốn thay đổi. Tôi không có của cải vật chất nhưng lại có tự do tinh thần”, ông nói.

Câu chuyện của Lưu Hán Thanh xuất hiện trên mạng xã hội gần đây gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng ông “có vấn đề”, nhưng người khác lại tiếc nuối cho sự kiên trì của Lưu, khen ông không quan tâm danh lợi mà tập trung nghiên cứu hàng chục năm, xứng là học giả.

Nhật Minh (Theo 163.com/Sohu)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *