Ngày 8.8.2024 theo giờ địa phương, Ủy ban chuyên trách của Liên Hợp Quốc gồm đại diện các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua dự thảo Công ước Liên Hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng.
Việt Nam là một trong các nước sớm ủng hộ việc thành lập Ủy ban chuyên trách cũng như tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Công ước từ phiên họp đầu tiên. Xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách, đoàn đàm phán liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, làm trưởng đoàn đã có những đóng góp thực chất, tích cực, được đoàn Chủ tịch, các bạn bè và đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các nước thành viên tiến hành hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội trên không gian mạng, bao gồm nhiều loại tội phạm hiện gây nhức nhối như tấn công hệ thống máy tính, lừa đảo trực tuyến, phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm, xâm hại trẻ em, rửa tiền… Cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua kênh 24/7, bảo đảm phản ứng nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phòng chống hiệu quả tội phạm mạng.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, việc nhất quán ủng hộ việc thành lập cơ chế đàm phán và tham gia tích cực xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định quốc tế.
Đối với Việt Nam, dự thảo Công ước được thông qua mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý cụ thể, toàn diện để cơ quan chức năng Việt Nam thiết lập, tăng cường hiệu quả hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật các nước. Bởi tính chất không biên giới của tội phạm mạng, hợp tác quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cơ quan chức năng Việt Nam kịp thời điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ về hành vi phạm tội trên không gian mạng phục vụ công tác truy tố, xét xử tội phạm.
Thứ hai, trong bối cảnh vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về trình độ khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng số giữa các quốc gia, dự thảo Công ước mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tham gia và tiếp nhận các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Những cơ chế này sẽ góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa, ứng phó với tội phạm mạng của các nước đang phát triển, đóng vai trò hết sức quan trọng giúp xây dựng môi trường không gian mạng toàn cầu lành mạnh, an toàn hơn.
Thứ ba, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán ngay từ đầu và có những đóng góp thực chất trong các nội dung liên quan đến thực thi pháp luật, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như tham gia điều phối các quy định về biện pháp nghiệp vụ.
Điều này góp phần thực hiện nhiệm vụ chủ động, tích cực đóng góp nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế nêu tại Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chủ trương phấn đấu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước nêu tại Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.