Tự chế pin sạc, thú chơi đầy nguy hiểm
Trong thời gian gần đây, việc tự chế pin, sạc dự phòng trở thành một trào lưu được chia sẻ rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Dù đây là một sản phẩm có rủi ro cháy nổ cao, nhưng một bộ phận người dùng vẫn bỏ qua những cảnh báo an toàn mà tham gia một thú chơi đầy nguy hiểm này.
Chia sẻ về việc sử dụng pin sạc dự phòng, anh Phương Duy, 30 tuổi, một doanh nhân đang sinh sống tại Hà Nội cho biết: “Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải di chuyển, sạc pin dự phòng là một loại phụ kiện rất quan trọng với tôi.
Tôi có tới vài chiếc sạc pin dự phòng để thay nhau sử dụng, và chúng đều là hàng chính hãng. Trước đây tôi từng thấy các bài đăng video tự chế về sạc dự phòng trên mạng xã hội, Youtube, nhưng tôi cảm thấy với những sản phẩm có thể gây cháy nổ như này, việc tự chế để sử dụng mang lại nhiều rủi ro không đáng có nên không tìm hiểu thêm”.
Trong khi đó theo tìm hiểu của Lao Động, tự chế pin sạc dự phòng không phải là một việc quá khó khăn, khi các loại linh kiện điện tử, pin lithium-ion, hộp đựng được bán tràn lan trên mạng với mức giá cực kỳ rẻ. Trên các nền tảng mạng xã hội như Shopee, Lazada, người dùng có thể dễ dàng mua một viên pin Lithium-ion với giá chỉ 30.000 – 40.000 đồng.
Bên cạnh các mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, không ít cửa hàng online không ghi rõ nguồn gốc hoặc chỉ ghi nguồn gốc pin là nhập khẩu.
Chỉ với một từ khóa đơn giản “pin dự phòng tự chế”, Google đã trả về rất nhiều kết quả từ bài hướng dẫn đến video trên Youtube. Nhiều video trong số này thu về tới hàng chục nghìn lượt view cùng nhiều bình luận.
Có thể thấy, việc tự làm sạc dự phòng đã thu hút được nhiều người xem, nhất là những người thích tự mày mò, khám phá. Thế nhưng dưới những video này cũng có nhiều bình luận đánh giá về chất lượng gia công cũng như mặt kỹ thuật, đòi hỏi người có hiểu biết về điện máy, cơ khí mới có thể tự chế pin sạc dự phòng.
Do đó, nếu không có kinh nghiệm hay hiểu biết sâu về các lĩnh vực này, người dùng không nên thử mày mò, tự chế pin sạc dự phòng để tránh những rủi ro cháy nổ không đáng có.
Thượng vàng hạ cám
Sạc pin điện thoại di động đã trở nên phổ thông đến mức chúng ta có thể tìm mua nó ở gần như bất kỳ đâu và bất cứ khi nào. Không chỉ gói gọn trong các cửa hàng điện thoại, phụ kiện điện thoại hay các siêu thị điện máy, mặt hàng này còn xuất hiện trong các cửa hàng tiện lợi hay các xe bán hàng rong dọc đường. Cũng chính vì được bày bán tràn lan khắp nơi, người tiêu dùng có thể tiếp cận với sản phẩm này ở bất kỳ mức giá nào.
Tại các cửa hàng, khách hàng có thể dễ dàng mua các loại pin, sạc dự phòng với giá khoảng 100.000 – 150.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, trên các sàn thương mại điện tử, nhiều shop vẫn đang rao bán pin, sạc dự phòng với mức giá thấp đến khó hiểu, chỉ từ 35.000 – 40.000 đồng cho một bộ pin dự phòng dung lượng 10.000 mAh.
Theo Greenworks, một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị sử dụng pin lithium-ion, tất cả các loại pin đều tiềm ẩn nguy cơ và có thể gây nguy hiểm nếu không được lưu trữ, bảo dưỡng và sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với pin lithium-ion, loại pin được trang bị cho các loại pin sạc dự phòng hiện nay, những rủi ro có thể xảy ra bao gồm: Pin có thể cháy và nổ nếu bị hư hỏng, va đập mạnh hoặc bị nhiễm nước; Khi pin bị quá nhiệt, các thành phần bên trong pin có thể phân hủy và tạo ra nhiệt lượng lớn, gây ra tình trạng cháy hoặc nổ. Quá nhiệt có thể xảy ra do sạc pin không đúng cách, sử dụng bộ sạc không phù hợp hoặc để pin trong môi trường có nhiệt độ cao.