Bảng giá đất điều chỉnh ở các huyện ngoại thành căn cứ vào giá bồi thường đã phê duyệt, mức này được xác định theo thị trường nên phù hợp thực tế, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.
Thông tin vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường nêu tại văn bản lý giải các vấn đề xoay quanh bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024 thay thế Quyết định 02 của UBND TP HCM.
Theo dự thảo bảng giá điều chỉnh mới đang được lấy ý kiến, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh từ 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở này cho rằng nếu tính cả hệ số K, thì so với Quyết định 02 giá đất chỉ tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng giá thị trường.
Đơn cử, tại Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn Lý Thường Kiệt đến Nhà máy nước Tân Hiệp), dự kiến mỗi m2 tăng từ 780.000 đồng lên 39,6 triệu đồng. Cũng tuyến đường này đoạn từ Nguyễn Ảnh Thủ đến Lý Thường Kiệt mỗi m2 tăng từ 1,4 triệu đồng lên 71 triệu đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên tắc xuyên suốt của công tác điều chỉnh Bảng giá đất là cập nhật các cơ sở dữ liệu giá đất đã được phê duyệt tại các dự án bồi thường, dự án nộp tiền sử dụng đất và giá giao dịch do các cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế cung cấp. Do đó, giá đất tại Bảng giá đất điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn thành phố.
Năm huyện ngoại thành là các địa phương đang được hoàn thiện hạ tầng bằng các dự án đầu tư công, đặc biệt hạ tầng giao thông. Điều này giúp tăng giá trị quyền sử dụng đất của người dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, khi giải phóng mặt bằng làm dự án, thành phố đã căn cứ vào giá thị trường để tính giá bồi thường cho dân. Mức giá này được thành phố phê duyệt và người dân đồng thuận cao.
Ví dụ tại tuyến đường song hành Quốc lộ 22, mặc dù theo bảng giá cũ ở Quyết định 02 mỗi m2 là 780.000 đồng nhưng giá này chưa phải là giá thị trường mà phải bổ sung hệ số điều chỉnh sẽ cho kết quả là 3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, đối chiếu với số liệu ngày 1/12/2023, UBND huyện Hóc Môn đã phê duyệt giá bồi thường mỗi m2 khu vực này với giá gần 39,6 triệu đồng. Mức giá này được người dân đồng thuận cao. Do đó, đây là căn cứ để đưa vào bảng giá đất điều chỉnh là phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên địa bàn các huyện.
Tại hội nghị phản biện xã hội về bảng giá đất điều chỉnh do Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố tổ chức, chiều 12/8, ông Đào Quang Dương, Phó phòng Kinh tế đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), nói bảng giá đất của thành phố theo Quyết định 02 được xây dựng từ cơ sở dữ liệu năm 2014 bị khống chế bởi quy định của Chính phủ nên mỗi m2 cao nhất ở thành phố chỉ 162 triệu đồng.
Nhiều vị trí ở Thủ Đức 1,5-4,2 triệu đồng một m2 hoặc một số quận, huyện vùng ven chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn mỗi m2 và kéo dài hàng chục năm qua trong khi giá thị trường lên hàng chục hoặc cả trăm triệu đồng. Mức giá này cách quá xa thị trường và gây nhiều hệ lụy, chưa đảm bảo được lợi ích hài hòa ba bên gồm nhà nước, người dân, nhà đầu tư. Chưa kể, giá tái định cư bồi thường các dự án đã được thành phố chi tiền đền bù, nếu không đưa vào bảng giá đất sẽ không có cơ sở thực hiện. Điều này có thể dẫn tới sai phạm pháp luật.
Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất thành phố thẩm định sau đó UBND TP HCM xem xét phê duyệt.
Dự kiến bảng giá đất mới của TP HCM nếu được thông qua sẽ sử dụng đến 31/12/2025, tuy nhiên cuối năm nay thành phố sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, TP HCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới hằng năm chung theo Luật Đất đai 2024.
Lê Tuyết