Như Lao Động phản ánh, Thanh tra Chính phủ mới đây thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường… từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2020.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra, UBND tỉnh Gia Lai còn buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư, để xảy ra vi phạm; đặc biệt trong việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường.
Trong đó, với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai chưa có biện pháp đôn đốc thu nộp về ngân sách đối với số tiền sử dụng đất hơn 29,4 tỉ đồng và tiền thuê đất hơn 30,7 tỉ đồng của người sử dụng còn nợ và tiền phạt chậm nộp.
Với việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai chưa làm hết trách nhiệm. Chưa kể việc miễn tiền thuê đất còn để xảy ra vi phạm, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước, như tại Công ty Thủy điện An Khê – KaNak và Dự án Trường học Asean.
Tỉnh Gia Lai còn để doanh nghiệp nợ tiền thuê đất kéo dài nhiều năm như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai), nhưng không kiên quyết xử lý.
Với nhiều thiếu sót, tồn tại và vi phạm khác được nêu trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai thực hiện, khắc phục, xử lý đối với các tồn tại, vi phạm đã được nêu theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đức Long Gia Lai một lần nữa được Thanh tra Chính phủ điểm tên khi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động đối với Dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt mà Tập đoàn này làm chủ đầu tư do không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án.
Đồng thời cũng chấm dứt hoạt động với 18 dự án khác không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, hết thời hạn đầu tư theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014 và điểm d khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020.
“Trường hợp UBND tỉnh cho dự án tiếp tục thực hiện thì chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình” – Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Như Lao Động đầu tháng 8.2024 phản ánh, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 tiếp tục nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai do tập đoàn này chưa thanh toán hết nợ.
Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai vào tháng 2.2023 ra bản án về việc tranh chấp thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công giữa Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) và Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Tòa án tuyên xử buộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Lilama 45.3 số tiền hơn 17 tỉ đồng. Trong đó tiền nợ gốc 14,7 tỉ đồng, tiền lãi chậm thanh toán 2,3 tỉ đồng.
Đến tháng 7.2023, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai và được TAND tỉnh chấp thuận, thông báo thụ lý đơn.
Tuy nhiên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai kháng cáo, TAND cấp cao tại Đà Nẵng sau đó hủy quyết định của TAND tỉnh Gia Lai, khẳng định doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán nợ.