
Triển khai bài bản, đóng góp thực chất
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định, việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng về công tác ngoại giao kinh tế.
Công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội. Điều này thể hiện trên 3 nội dung. Một là đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng. Hai là góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới. Ba là tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong hàng chục hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Mới đây nhất, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (18-20.8.2024), các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 14 văn kiện hợp tác.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (30.7-1.8), hai bên đã ký kết 9 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỉ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin (19-20.6), 11 văn kiện hợp tác đã được các bộ, ban, ngành địa phương hai bên ký kết.
Thu hút đầu tư, mở rộng thị trường
Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens…
Cùng với đó, tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới.
Ngay từ những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã định hướng cho Bộ Ngoại giao tập trung triển khai một số đầu việc để thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Thứ nhất là chỉ đạo các cơ quan đại diện tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, quảng bá các sản phẩm thế mạnh vào khu vực Trung Đông, châu Phi, đặc biệt là khu vực vùng Vịnh.
Thứ hai là tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, nhất là các sản phẩm đồ gỗ sang các thị trường Trung Đông, châu Phi. Kêu gọi đầu tư của các quỹ đầu tư khu vực Trung Đông vào các lĩnh vực mà họ rất quan tâm.
Những kết quả nói trên của Bộ Ngoại giao – dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn – đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, hoan nghênh.
Hoạt động đối ngoại cấp cao rộng khắp cả trên bình diện đa phương và song phương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ 18-20.8. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình hoạt động hết sức phong phú và đầy ý nghĩa với 18 hoạt động trong hơn 2 ngày. Trước đó, từ 11-13.7, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình hoạt động dày đặc với 32 hoạt động tại Lào và Campuchia.
Từ 30.7 – 1.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ với chương trình làm việc dày đặc, phong phú, đa dạng gồm khoảng 25 hoạt động. Trước đó, từ 30.6-3.7, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc với 34 hoạt động với chính giới, giới kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã tham dự Hội nghị WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc từ 24-27.6, dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5-11.3, Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23.1.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước Việt Nam từ 19-20.6. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đây là chuyến thăm với nhiều ý nghĩa quan trọng, có thể coi là một điểm nhấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2024. Thanh Hà