Serbia – nước cộng hòa lớn nhất của Nam Tư cũ – đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 và trở thành ứng cử viên kể từ năm 2012, nhưng Liên minh châu Âu gần đây nêu thêm điều kiện gia nhập với Serbia là phải công nhận tỉnh ly khai Kosovo.
“BRICS không yêu cầu bất cứ điều gì từ Serbia và cho chúng tôi nhiều hơn những gì chúng tôi mong muốn. Trong khi đó, EU yêu cầu chúng tôi mọi thứ và tôi không còn chắc chắn họ có thể cho chúng tôi những gì” – Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti hôm 11.8.
“Chúng tôi coi BRICS là một cơ hội và một giải pháp thay thế. Serbia đang tích cực xem xét tất cả các khả năng mà BRICS đưa ra và hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thành viên BRICS” – ông Vulin nói thêm.
Theo Phó Thủ tướng Vulin, Serbia đang mong đợi lời mời chính thức tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tại Kazan, Nga.
Bất chấp áp lực to lớn từ EU, Serbia vẫn không tham gia lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và EU, chính thức cam kết trung lập trong cuộc xung đột Ukraina và duy trì quan hệ thương mại với cả Nga và phương Tây.
Theo ông Vulin, điều này đã khiến Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đối mặt nhiều nguy cơ, thậm chí cả nguy cơ bị ám sát.
“Có điều gì đó xảy ra với tất cả những người kêu gọi giải pháp hòa bình cho Ukraina, họ đều bị bắn” – ông Vulin nói, lưu ý đến các vụ ám sát hụt Thủ tướng Slovakia Robert Fico và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Tính mạng của Tổng Vucic đang bị đe dọa bởi những người muốn Serbia ngừng trung lập, trừng phạt Nga, công nhận Kosovo độc lập” – ông Vulin nói.
Ông Vulin cho biết Serbia muốn hòa bình và không đồng ý với những thành viên EU và NATO tìm cách đạt được mục tiêu bất khả thi là đánh bại Nga bằng chiến tranh ủy nhiệm.
“Hòa bình ở Ukraina có thể đạt được ở Istanbul” – ông Vulin nói, ám chỉ đến các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraina. “Nhưng điều đó đã không xảy ra vì những người đưa ra quyết định về hòa bình ở Ukraina không phải là người Ukraina và muốn chiến đấu với Nga đến người Ukraina cuối cùng” – ông nói.
Ông Vulin giữ chức Phó Thủ tướng Serbia kể từ tháng 5. Trước đó, ông đã điều hành Cơ quan Tình báo An ninh (BIA) từ tháng 12.2022 đến tháng 11.2023. Theo những tin đồn dai dẳng, ông bị buộc phải ra đi dưới áp lực từ Mỹ.
Trước đó, ông từng là Bộ trưởng Quốc phòng Serbia (2017-2020) và Bộ trưởng Nội vụ (2020-2022).