Đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm
Ngày 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý cho biết một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào dự thảo luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.
Liên quan đến nội dung này, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.
Tuy nhiên trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai, nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.
Do đó, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, dự luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Vấn đề còn nhiều tranh luận
Trong khi đó, thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến nhất trí bổ sung quy định cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự luật.
Ông Tùng đề nghị làm rõ thêm có trường hợp nào mua bán bào thai mà không phải mua bán người không? Bởi nếu có trường hợp này thì không nằm trong diện điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình việc bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai. Tuy nhiên cần xem xét thêm để viết chặt chẽ hơn.
Ông Cường phân tích về khoa học con người sinh học, tự nhiên được thể hiện qua một số chức năng sinh học như thở, ăn, uống ngủ, vận động, bài tiết…
Về mặt sinh học bào thai đến một giai đoạn nhất định, đảm bảo điều kiện của người tự nhiên. Có khác ở chỗ môi trường tồn tại là trong bụng mẹ. Về mặt pháp luật, quy định cũng thừa nhận mặt thừa kế của người đã thành thai.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ bào thai là vấn đề “rất tranh cãi” trên thế giới. Vị này cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo. Nghĩa là cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.
Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng không thể quy định bào thai là người. Bởi nếu vậy thì việc nạo thai sẽ được coi như giết người. Vì vậy cách xử lý hiện nay như dự thảo luật là phù hợp.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng nêu mua bán bào thai mà xác định mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.
Trong khi đó luật điều chỉnh mua bán người, nếu khái niệm bào thai là người sẽ gây tranh cãi.
“Chúng ta quy định phạm vi ở mức để quá trình thực hiện thuận lợi. Tôi đồng ý thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai, nhưng đưa cả mua bán bào thai vào rất khó để thực hiện. Phạm vi là do chúng ta điều chỉnh, chứ không phải mở rộng tất cả không thực hiện được” – ông Dũng nêu quan điểm.