Lặn lội lên rừng xuống biển
Năm 2023, Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh một trong ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí của Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909, tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi và được lấy tên địa danh Sa Huỳnh để đặt cho nền văn hóa khảo cổ này là văn hóa Sa Huỳnh.
Kể từ lúc được phát hiện, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi là một trong những nhà nghiên cứu có đóng góp rất lớn trong việc giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, hết sức kỳ bí này. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, cuối năm 1988, ông tiếp cận nguồn tài liệu của người Pháp và cảm thấy có sức hút kỳ lạ về văn hóa Sa Huỳnh và tiến hành nghiên cứu. “Tôi muốn làm một cái gì đó để mọi người biết nhiều hơn về vùng đất này. Động lực đó, thúc đẩy chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, khảo sát, thăm dò” – Tiến sĩ Khôi chia sẻ.
Sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát về các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh, những công bố giá trị của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Ông đã được giao nhiệm vụ chủ trì các đợt thăm dò, khai quật, tìm dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Từ năm 1997 đến 2009, đã diễn ra nhiều đợt khai quật dọc vùng biển Sa Huỳnh, Lý Sơn, rồi ngược lên vùng núi Sông Tang – huyện Trà Bồng để tìm kiếm những giá trị văn hóa, lịch sử liên quan đến người Sa Huỳnh xưa. Tiến sĩ Khôi đã chủ trì gần 10 cuộc khai quật và tìm thấy hơn 10.000 hiện vật liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh. Trong không gian trưng bày của Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi có rất nhiều hiện vật của người Sa Huỳnh từ thời kỳ đồ đá, đồ sắt mà chính tiến sĩ Khôi đã phát hiện. Có những hiện vật mà ông cho rằng, thuộc diện rất quý hiếm, tâm điểm là những bộ trang sức của cư dân Sa Huỳnh cách đây hơn 2.000 năm, được ông và đội ngũ tìm thấy.
Hơn 35 năm là quãng thời gian Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã dồn hết tâm huyết của mình cho hành trình nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh. Ông cũng là người có công lớn khi phát hiện dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Năm 1996, trong những chuyến công tác đến đảo Lý Sơn, ông tình cờ phát hiện những mảnh gốm của người Sa Huỳnh ở An Vĩnh, Lý Sơn. Bằng con mắt tinh tế với văn hóa Sa Huỳnh, ông đã cùng các cộng sự thực hiện cuộc khai quật quy mô lớn vào năm 1997 tại đảo Lý Sơn. Cuộc khai quật này đã thành công bất ngờ khi tìm thấy bộ di cốt song táng và nhiều hiện vật của người Sa Huỳnh tại xóm Ốc, Lý Sơn. Tiến sĩ Khôi cho biết, bộ di cốt song táng này vô cùng đặc biệt và chỉ duy nhất được tìm thấy trên đảo Lý Sơn. “Nó cho thấy người Sa Huỳnh xưa không chỉ cư trú dọc ven biển mà còn mở rộng phạm vi cư trú ra tận các đảo và dọc theo bờ biển miền Trung. Điều quý giá là bộ di cốt song táng cho phép nhận thức rõ hơn về phong tục táng của người Sa Huỳnh”- Tiến sĩ Khôi bày tỏ.
Ước mơ văn hóa Sa Huỳnh trở thành di sản văn hóa thế giới
Năm 2009, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi lại một lần nữa tìm thấy dấu tích văn hóa Sa Huỳnh trên núi. Đây được coi là một phát hiện mới, chứng minh rằng người Sa Huỳnh xưa không chỉ cư trú ở vùng duyên hải và hải đảo mà còn sinh sống phồn thịnh tại các thung lũng dọc theo các con sông ở miền núi. Cuộc khai quật tại thung lũng sông Tang, lòng hồ Nước Trong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, do Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi trực tiếp thực hiện từ năm 2009 kéo dài 3 năm, đã phát hiện gần 100 mộ chum. Cuộc khai quật cũng tìm thấy nhiều dấu vết về cư trú và nhiều dụng cụ sản xuất bằng đá, đồng, sắt thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh. Theo Tiến sĩ Khôi, thành quả từ khai quật trong lòng hồ Nước Trong là một món quà mà văn hóa Sa Huỳnh đã dành cho ông trong cuộc đời khảo cổ của mình.
Tiến sĩ Khôi đã sống cùng văn hóa Sa Huỳnh để tái hiện lại hình ảnh của một nền văn hóa cổ xưa, ẩn mình nghìn năm dưới lòng đất. Tiến sĩ Khôi bộc bạch: “Ước mơ của tôi là văn hóa Sa Huỳnh trở thành di sản văn hóa thế giới. Nền văn hóa Sa Huỳnh cần được tôn vinh và sự tôn vinh đó sẽ mang lại cho văn hóa Sa Huỳnh tầm quan trọng lớn hơn”.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện khảo cổ học Việt Nam – nhận xét: “Đóng góp quan trọng nhất của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi là nghiên cứu các di tích khảo cổ ở lòng hồ Nước Trong. Những nghiên cứu này đã làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản về văn hóa Sa Huỳnh và đặc thù của nó trong bối cảnh văn hóa của Việt Nam. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã có đóng góp rất lớn đối với khảo cổ học ở Quảng Ngãi nói riêng, cũng như khảo cổ học tiền sử Việt Nam nói chung”.