Việc Nga gần vượt qua Mỹ ở vị trí nhà cung cấp LNG số 1 cho châu Âu không phải do lượng nhập khẩu LNG từ Nga cao hơn mà là do lượng hàng Mỹ giảm, theo Bloomberg.
Cách biệt về lượng LNG của Mỹ và Nga giao cho Tây Âu trong tháng 7 đã xuống mức hẹp nhất kể từ cuối năm 2021, theo dữ liệu theo dõi tàu mà hãng tin này tổng hợp.
Sự thay đổi mạnh mẽ này nêu bật việc các hãng vận chuyển LNG của Mỹ luôn chọn khu vực có mức chi trả cao hơn để hướng nguồn hàng tới. Việc vận chuyển khí đốt của Mỹ bằng đường biển thường không có bất kỳ hạn chế nào về điểm đến.
Khi thời tiết nóng bức thúc đẩy nhu cầu ở châu Á, lượng LNG của Mỹ giao tới châu Á trong tháng 7 đã lên mức cao hơn bất kỳ tháng nào kể từ năm 2021.
Trong khi đó, sự gián đoạn do bão nhiệt đới làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ở châu Âu bởi nhà máy sản xuất phục vụ xuất khẩu khí đốt lớn nhất ở Mỹ đã phải tạm dừng hoạt động trong hơn 2 tuần do ảnh hưởng của siêu bão Beryl.
Cạnh tranh cũng đang tăng ở những nơi khác. Ai Cập – quốc gia vật lộn với tình trạng thiếu điện – đã tăng cường nhập khẩu LNG. Ai Cập đã phải chi thêm tiền so với giá mua LNG ở châu Âu để thu hút nguồn cung và đã tiếp nhận một phần LNG của Mỹ trong tháng 7.
Châu Âu không cần nhiều khí đốt vào mùa hè, nhưng sự thay đổi này cho thấy cạnh tranh LNG có thể căng thẳng như thế nào, Bloomberg lưu ý. Nếu tình hình tiếp tục xảy ra khi mùa đông gần tới, giá khí đốt chắc chắn sẽ tăng.
Thêm vào đó, diễn biến mới nhất ở thị trường LNG cũng cho thấy những khó khăn của châu Âu trong việc thoát khỏi phụ thuộc năng lượng Nga.
Hiện, Liên minh châu Âu chưa thực hiện bất kỳ lệnh cấm hoàn toàn nào đối với việc nhập khẩu LNG từ Nga. Tuy nhiên, ngày 24.6, Hội đồng EU đã phê duyệt gói trừng phạt thứ 14 với Nga, trong đó cấm mua hoặc nhập khẩu LNG từ Nga thông qua các kho cảng của EU không được kết nối với mạng lưới khí đốt của khối.