Các loài kền kền ở Ấn Độ đang biến mất dần, dẫn tới vi khuẩn và mầm bệnh có cơ hội lây lan và gây ra cái chết cho nửa triệu người hàng năm.
Kền kền từng là loài chim dào dào và sinh sống khắp mọi nơi ở Ấn Độ. Chúng chuyên bay lơ lửng bên trên bãi rác, tìm kiếm xác gia súc. Tuy nhiên, cách đây hơn hai thập kỷ, kền kền ở Ấn Độ chết dần do một loại thuốc dùng để điều trị bò bị bệnh. Vào giữa thập niên 1990, quần thể kền kền 50 triệu con giảm mạnh do tác động của diclofenac, loại thuốc giảm đau không steroid giá rẻ cho gia súc. Chim ăn xác gia súc điều trị loại thuốc này thường bị suy thận và chết.
Từ sau lệnh cấm sử dụng diclofenac năm 2006, tốc độ sụt giảm chậm lại ở một số khu vực nhưng ít nhất 3 loài chịu tổn thất dài hạn lên tới 91 – 98%. Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí American Economic Association, sự suy giảm của loài chim lớn ăn xác thối này tạo điều kiện cho vi khuẩn và nhiễm trùng lây lan, khiến hơn nửa triệu người tử vong mỗi năm trong thời gian 5 năm.
“Kền kền được coi như nhân viên vệ sinh trong tự nhiên bởi vai trò quan trọng của chúng trong việc loại bỏ xác động vật chứa vi khuẩn và mầm bệnh khỏi môi trường. Không có chúng, dịch bệnh có thể lan rộng”, Eyal Frank, phó giáo sư ở Trường chính sách công Harris thuộc Đại học Chicago, cho biết.
Frank và đồng nghiệp Anant Sudarshan so sánh tỷ lệ tử vong của con người ở các quận Ấn Độ mà kền kền từng phát triển mạnh với nơi có ít kền kền, cả trước và sau khi chúng giảm số lượng. Họ kiểm tra lượng bán vaccine phòng bệnh dại, đếm số chó hoang và mầm bệnh trong nguồn cung cấp nước. Nhóm nghiên cứu nhận thấy sau khi lượng bán thuốc kháng viêm tăng và quần thể kền kền sụp đổ, tỷ lệ tử vong của con người tăng hơn 4% ở những quận mà loài chim này từng dồi dào.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực nội thành với số lượng gia súc lớn và việc vứt xác động vật phổ biến. Họ ước tính từ năm 2000 đến năm 2005, sự biến mất của kền kền khiến số ca tử vong ở người tăng thêm 100.000 ca mỗi năm, dẫn tới hơn 69 tỷ USD/năm thiệt hại hoặc chi phí kinh tế do chết yểu. Số ca tử vong này là kết quả từ sự lây lan dịch bệnh hoặc vi khuẩn mà kền kền có thể loại bỏ khỏi môi trường.
Ví dụ, không có kền kền, số lượng chó đi lạc tăng lên, mang bệnh dại tới cho con người. Lượng bán vaccine phòng bệnh dại tăng lên trong thời gian đó nhưng không đủ. Khác với kền kền, chó không thể dọn xác thối hiệu quả, kéo theo vi khuẩn và mầm bệnh lẫn vào nước uống thông qua phương pháp xả thải kém và nước cống. Vi khuẩn có nguồn gốc từ phân cũng tăng hơn gấp đôi trong nước.
Trong số các loài kền kền ở Ấn Độ, kền kền Bengal, kền kền Ấn Độ và kền kền đầu đỏ bị sụt giảm số lượng mạnh nhất từ đầu những năm 2000, với tỷ lệ lần lượt là 98%, 95% và 91%. Kền kền Ai Cập và kền kền Griffon di cư cũng giảm đáng kể. Khảo sát gia súc ở Ấn Độ năm 2019 ghi nhận hơn 500 triệu con, cao nhất thế giới. Nông dân dựa vào kền kền, loài ăn xác thối hiệu quả, để loại bỏ nhanh chóng xác gia súc. Sự sụt giảm của kền kền ở Ấn Độ ở mức nhanh nhất trong thế giới loài chim và lớn nhất từ khi bồ câu viễn khách tuyệt chủng ở Mỹ.
Số lượng kền kền còn sót lại ở Ấn Độ hiện nay tập trung quanh các khu vực được bảo vệ, nơi chế độ ăn của chúng gồm nhiều xác động vật hoang dã hơn là thịt gia súc có khả năng chứa thuốc. Các chuyên gia cảnh báo thuốc thú y vẫn là mối đe dọa lớn đối với kền kền. Lượng xác thối giảm đi do hoạt động chôn xác và cạnh tranh từ chó hoang càng làm vấn đề thêm trầm trọng. Khai thác đá và khai khoáng có thể làm gián đoạn môi trường làm tổ của một số loài kền kền.
An Khang (Theo BBC)