Các tỉnh Cà Mau, Khánh Hòa, Vĩnh Long đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các quy định về đất đai, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, sớm tham mưu ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định.
Về kiến nghị này, trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Nội vụ đã có phản hồi. Bộ Nội vụ cho biết, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp với tình hình mới là yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) quan tâm triển khai thực hiện.
Chính vì vậy, sau 3 năm thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật) và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162/2017/NĐ-CP), Bộ Nội vụ đã rà soát, tổng hợp những bất cập, vướng mắc khi thực hiện để tiến hành Kế hoạch sơ kết 3 năm thi hành Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP vào năm 2021; đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP nhằm giải quyết một số bất cập vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
Đối với các quy định về đất đai, xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, khi phát hiện những quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa đồng bộ với các Luật có liên quan (đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục…), Bộ Nội vụ đã giao Ban Tôn giáo Chính phủ rà soát, báo cáo; trường hợp cần thiết, sẽ tổng hợp và phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định xử phạt): Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định xử phạt và đã triển khai đầy đủ các bước xây dựng và hoàn thiện dự thảo, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định hồ sơ dự thảo.
Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến phản hồi về tác động xã hội và hiệu quả của việc ban hành Nghị định; đặc biệt trong trường hợp đối tượng bị xử phạt là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành… sẽ tạo ra dư luận không tốt trong xã hội; dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian ban hành Nghị định xử phạt sau khi tổng kết thi hành Luật (dự kiến năm 2025).