Françoise Bettencourt Meyers – người thừa kế đế chế L’Oreal – là người phụ nữ giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ước tính 86 tỉ USD, theo Chỉ số tỉ phú của Bloomberg.
Tuy nhiên, họ chẳng là gì khi so sánh với Võ Tắc Thiên (trị vì năm 690-705), nữ hoàng đế duy nhất từng cai trị Trung Quốc trong thời nhà Đường (618-907).
Với khối tài sản của Trung Quốc vào thời điểm đó, chiếm 23% GDP toàn cầu, Võ Tắc Thiên xứng đáng được ghi nhớ là người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử, với một số ước tính cho rằng bà nắm giữ khối tài sản trị giá 16.000 tỉ USD.
Tờ SCMP chỉ ra 3 người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc trong 5.000 năm qua
Võ Tắc Thiên (624-705)
Câu chuyện về Võ Tắc Thiên – người đàn bà đẹp nổi tiếng về mưu mô để đạt đến đỉnh cao quyền lực không còn ai xa lạ. Sức hút của Võ Tắc Thiên không chỉ vì bà là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc mà còn vì bí ẩn hấp dẫn xung quanh di sản của bà.
Võ Tắc Thiên vốn là một phi tần ở hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị, về sau trở thành hoàng đế triều đại Võ Chu làm gián đoạn nhà Đường. Bà là mẹ của 2 vị hoàng đế kế tiếp, Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán.
Cùng với tôn hiệu Thiên hậu của bà và tôn hiệu Thiên hoàng của Đường Cao Tông, 2 người đã đồng trị vì nhà Đường trong một thời gian dài và cùng được gọi là Nhị Thánh.
Sau khi Đường Cao Tông qua đời, thiên hậu trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705.
Võ Tắc Thiên nắm quyền kiểm soát khối tài sản khổng lồ của Trung Quốc – ước tính chiếm 23% GDP toàn cầu thời đó – trong thời gian trị vì của mình, đó là lý do tại sao bà thường được coi là người phụ nữ giàu nhất trong lịch sử.
Tống Ái Linh (1889-1973)
Tống Ái Linh là chị cả của một trong những gia đình nổi tiếng nhất Trung Quốc vào thế kỷ 20. Cô em Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Dật Tiên, và người em út, Tống Mỹ Linh, kết hôn với Tưởng Giới Thạch.
Tống Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hi, người đàn ông giàu nhất Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) khi hai người làm đám cưới. Khổng Tường Hi trở thành Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1938-1939.
Sau khi kết hôn với Khổng Tường Hi, Tống Ái Linh làm giáo viên và tham gia các hoạt động xã hội trước khi thành lập Công ty Sandai – công ty này vô cùng thành công và giúp Tống Ái Linh trở nên giàu có một cách đáng kinh ngạc.
Trong chiến tranh, chị em nhà Tống đã thành lập một tổ chức có tên là Indusco, được thiết kế để bảo vệ lợi ích kinh doanh của Trung Quốc trong điều kiện thời chiến, trong đó Ái Linh là người tích cực nhất trong việc quản lý nhóm. Tuy nhiên, bà cũng bị cáo buộc là đầu cơ chiến tranh trong Thế chiến 2.
Phụ Hảo (mất khoảng năm 1.200 trước Công nguyên)
Nếu Ai Cập cổ đại có vua Tutankhamun, thì Trung Quốc có Phụ Hảo – vương hậu của vua Vũ Đinh nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên) – có ngôi mộ chứa đầy của cải khi bà qua đời.
Giống như Võ Tắc Thiên, Phụ Hảo đã củng cố quyền lực to lớn trong vai trò vương hậu, bao gồm cả việc chỉ huy các đại quân, thực hành văn trị võ công. Ngoài ra bà còn chủ trì các hoạt động tế tự quan trọng như cúng tế tổ tiên và giám sát các cuộc hiến tế người.
Khi mất ở tuổi 33, Phụ Hảo được chôn cất cùng với 16 người bị hiến tế cùng 6 con chó.
Ngôi mộ của bà gồm 755 di vật bằng ngọc, 564 đồ vật bằng xương (như trâm cài tóc), 468 đồ vật bằng đồng, bao gồm cả bình và vũ khí, 63 đồ vật bằng đá, 11 mẫu đồ gốm, 5 tác phẩm chạm khắc bằng ngà voi và 6.900 vỏ ốc – được sử dụng làm tiền tệ trong thời nhà Thương.