Hơn 60 HTX giải thể
Ngày 1.8, ông Lê Đăng Phúc – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh – cho biết, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 975 HTX đang hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, môi trường…
Trong đó, có 42% số HTX hoạt động khá tốt, phần lớn HTX còn lại hoạt động khó khăn.
Cũng theo ông Phúc, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 60 HTX giải thể, trong khi số HTX được thành lập mới là 20.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ HTX phát triển. Tuy nhiên, việc hấp thụ, tiếp cận được hưởng lợi từ chính sách vẫn còn khó khăn.
“Nhiều giám đốc HTX xuất thân từ nông dân nên chưa năng động, đi ra giao tiếp, giải quyết thủ tục còn ngại ngần, chưa kiên trì, theo đến cùng để tháo gỡ vướng mắc. Trong sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều người có tầm nhìn ngắn hạn. Hoạt động của Hợp tác xã vẫn chưa phát huy được sức mạnh tập thể” – ông Phúc nhìn nhận.
Theo ông Lê Đăng Phúc – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, thời gian qua Liên minh HTX Hà Tĩnh đã chủ động, tích cực tuyên truyền các chính sách liên quan đến sự phát triển của các HTX trên địa bàn.
Đồng thời tổ chức tư vấn, hỗ trợ giải quyết thủ tục, kết nối quảng bá sản phẩm cho các HTX; liên hệ, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh giải quyết thủ tục cho HTX…
“Cái khó khăn ở đây là doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Bởi khi họ dùng tài sản là chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX để vay vốn cũng rất khó khăn để được ngân hàng giải ngân cho vay. Đã thiếu vốn, thị trường thiếu ổn định nữa càng khiến HTX thêm khó khăn”, ông Phúc chia sẻ.
Hấp thụ chính sách hỗ trợ đạt thấp
Theo ông Phúc, trước những khó khăn đó, rất mong cơ quan quản lý nhà nước tận tâm, trách nhiệm trong hướng dẫn, giải quyết các thủ tục liên quan, giúp các HTX thuận lợi trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách để vượt khó, phát triển.
Ông Trần Việt Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tại Hà Tĩnh vẫn còn khó khăn, việc hấp thụ chính sách đạt thấp.
Năm 2023, dư nợ cho vay đối với các HTX, tổ hợp tác ở Hà Tĩnh là 143 tỉ đồng, giảm 13,32% so với cuối năm 2022. Tính cả dư nợ của Ngân hàng cùng với dư nợ của các Quỹ tín dụng nhân dân cho các HTX vay đến cuối năm 2023 là 173,6 tỉ đồng, chiếm 0,18% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Theo ông Hà, giải pháp thời gian tới để thúc đẩy HTX phát triển là phải tranh thủ lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án khác đang được triển khai trên địa bàn.
Chỉ đạo các ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể.
Tạo điều kiện để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được tiếp cận, giải quyết các nhu cầu về đất đai, xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các nguồn vốn ưu đãi.
Lựa chọn, xây dựng các mô hình hợp tác xã tiên tiến, điển hình để liên kết các hợp tác xã trên địa bàn cùng phát triển; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
“Cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã trong việc áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh” – ông Trần Việt Hà chia sẻ.