Cuộc tấn công của Ukraina gây ra mối đe dọa đối với tuyến cung cấp khí đốt chính từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU).
Ukraina phát động cuộc tấn công vào đâu?
Kiev đã điều động hàng trăm quân nhân được hỗ trợ bởi xe bọc thép, pháo binh và máy bay không người lái tràn qua biên giới Ukraina vào tỉnh Kursk hôm 6.8. Đến ngày 8.8, lực lượng Ukraina đã xâm nhập sâu tới 35 km vào Nga – theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ.
Nga ban bố tình trạng khẩn cấp, sơ tán hàng nghìn cư dân và nhanh chóng tăng viện đến khu vực.
Ngày 9.8, giao tranh được báo cáo rất gần Sudzha, gần đường ống dẫn khí của Nga tới EU.
Tại sao Sudzha lại quan trọng đối với nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu?
Sudzha, cách biên giới Ukraina khoảng 10km, đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển khí đốt Nga đến EU.
Theo Al Jazeera, trung bình 42 triệu mét khối khí đốt Nga chảy vào Ukraina mỗi ngày, và thị trấn Sudzha là nơi đặt trạm bơm khí đốt Nga cho châu Âu.
Bất chấp xung đột, Kiev vẫn cho phép khí đốt tiếp tục chảy qua đường ống dẫn khí thời Liên Xô như một phần của hợp đồng trị giá 2 tỉ USD/năm giữa công ty Naftogaz của Ukraina và Gazprom của Nga.
Từ Ukraina, khí đốt được vận chuyển theo hướng Slovakia, nơi nó chia nhánh, một nhánh đến Cộng hòa Czech, nhánh còn lại đến Áo.
Thỏa thuận vận chuyển sẽ hết hạn vào tháng 1.2025. Nếu nguồn cung bị gián đoạn trước thời điểm đó, giá khí đốt có thể tăng đột biến, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng và ngành công nghiệp châu Âu.
Tình hình hiện tại ở Sudzha thế nào?
Giao tranh vẫn diễn biến dữ dội ở ngoại ô Sudzha. Tuy nhiên cho đến nay, các hoạt động thù địch dường như không làm hỏng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Christoph Halser, một nhà phân tích của Rystad Energy ở Oslo, cho biết lưu lượng đã giảm 5,8% xuống còn 37,25 triệu mét khối vào ngày 8.8, tăng 3,2% lên 38,5 triệu mét khối vào 9.8.
Ngày 8.8, Bộ trưởng Năng lượng Ukraina German Galushchenko tuyên bố tuyến đường trung chuyển vẫn đang hoạt động. Ngày hôm đó, Gazprom và Naftogaz đều cho biết các hoạt động sẽ tiếp tục diễn ra bình thường.
Tại sao châu Âu vẫn nhập khẩu khí đốt Nga?
Trong ngắn hạn, châu Âu chưa có nhiều lựa chọn – Mike Coffin, Giám đốc nghiên cứu dầu khí và khai khoáng tại tổ chức tư vấn Carbon Tracker ở London cho biết.
Trong khi Tây Âu có thể hướng đến khí tự nhiên hóa lỏng LNG và Biển Bắc, thì một số nước ở Trung Âu ít có lựa chọn hơn.
Tỉ trọng khí đốt Nga trong tổng lượng nhập khẩu của châu Âu đã giảm hơn một nửa từ 38% vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2023.
Nhưng các quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga được chuyển qua Ukraina “do sự phát triển lịch sử của cơ sở hạ tầng đường ống”.
OMV của Áo đã ký hợp đồng cung cấp dài hạn với Gazprom vào năm 2018 để cung cấp hơn 6 tỉ mét khối/năm cho đến năm 2040.
Và MVM của Hungary đã ký hợp đồng cung cấp 4,5 tỉ mét khối/năm cho đến năm 2036, phần lớn được vận chuyển qua đường ống TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu Nga có thể khóa van không?
Các nhà phân tích đã chỉ ra những rủi ro mà Gazprom có thể sử dụng cuộc giao tranh làm cái cớ để cắt giảm dòng khí đốt.
Tuy nhiên, Nga sẽ mất khoảng 4,5 tỉ USD/năm nếu xuất khẩu dừng lại, dựa trên giá khí đốt trung bình dự kiến đến châu Âu là 320 USD cho 1.000 mét khối vào năm 2025.
Liệu châu Âu có cần tìm cách khác để mua khí đốt không?
Bất kể kết quả của cuộc tấn công hiện tại là gì, hợp đồng giữa Naftogaz và Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Một lựa chọn là Gazprom cung cấp khí đốt thông qua một tuyến đường khác, ví dụ như qua TurkStream, Bulgaria, Serbia hoặc Hungary. Tuy nhiên, công suất thông qua các tuyến đường này bị hạn chế.
EU đã ký một thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỉ mét khối/năm vào năm 2027, nhưng cơ sở hạ tầng và tài chính vẫn chưa được triển khai.