Gần 200 dự án đổi mới sáng tạo TP HCM liên quan đến ESG

Trong 2 tháng, TP HCM thu hút 183 dự án đổi mới sáng tạo liên quan đến ESG, gần gấp đôi so với các lĩnh vực khác, theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ.

Thông tin được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nói tại hội thảo phát triển bền vững và quản trị ESG cho doanh nghiệp do Mạng lưới đổi mới sáng tạo Australia (NIC-AU) tổ chức sáng 29/11.

ESG (Environmental, Social, and Governance) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Khái niệm về ESG ra đời vào đầu những năm 2000, gắn liền với sự phát triển của các phong trào đầu tư có trách nhiệm và quan tâm đến bền vững. ESG được xem như yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Theo ông Dũng, chủ trương về ESG, được nêu trong các nghị quyết và chương trình hành động của TP HCM như phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), phát triển kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu vật liệu mới, năng lượng mới… Các chương trình nghiên cứu phát triển của thành phố đều liên quan đến phục vụ mục tiêu ESG.





Các đại biểu thăm quan các sản phẩm tái chế trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Hà An

Các đại biểu thăm quan các sản phẩm tái chế trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Hà An

Mới đây TP HCM triển khai chương trình hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ESG, công bố hồi tháng 9. Đến nay chương trình nhận được 183 dự án đăng ký tham gia, gần gấp đôi so với các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo trong khu vực công, công nghiệp văn hóa… “Điều này cho thấy dư địa ý tưởng trong các lĩnh vực liên quan ESG là rất lớn và cộng đồng khởi nghiệp luôn dành sự quan tâm đến phát triển bền vững”, ông Dũng đánh giá.

Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đang sàng lọc các giải pháp, dự án chất lượng nhất để hỗ trợ hoàn thiện. Theo ông Dũng, việc thực hiện ESG giúp Việt Nam tiếp cận dần với các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

Ở góc nhìn chuyên gia tư vấn ESG, ông Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Klinova, cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp thực hành ESG nhà nước cần có các chính sách khuyến khích. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hành ESG mà lồng ghép trong khoảng 20 văn bản luật và gần 70 văn bản dưới luật.

Ông Nam cho biết các Bộ ngành đang thiết kế các chính sách về tài chính, thuế và một số ưu đãi giúp doanh nghiệp thực hành ESG. Cụ thể, doanh nghiệp được tiếp cận các khoản vay xanh từ Chính phủ hoặc các tổ chức tài chính. Doanh nghiệp được giảm hoặc miễn thuế khi cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể.

Hà An


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *