Tuy nhiên, theo New York Times, trong vài tháng qua, một số công ty có ảnh hưởng của Hàn Quốc đã yêu cầu các giám đốc điều hành làm việc nhiều giờ hơn, có công ty yêu cầu đội ngũ quản lý đến văn phòng 6 ngày/tuần.
Nhiều người tại các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định, nhân viên và các quản lý cấp thấp hơn tại những doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ cảm thấy sức ép phải làm theo phương thức này.
“Đây là tín hiệu cho thấy ở Hàn Quốc, làm việc 6 ngày một tuần vẫn được chấp nhận” – Kim Seol, đại diện của Công đoàn Cộng đồng Thanh niên, nhóm lao động đại diện cho những người lao động trong độ tuổi từ 15 đến 39, cho biết.
Áp lực với người lao động Hàn Quốc, đặc biệt là lao động trẻ, có thể rất lớn ở Hàn Quốc, nơi dân số đang già hóa và có tỉ lệ sinh trong nhóm thấp nhất thế giới.
Nỗi lo về an ninh việc làm và chi phí nhà ở, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em tăng cao khiến người Hàn Quốc trong độ tuổi lao động không muốn sinh con, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang bao trùm nền kinh tế.
Ở Hàn Quốc, tuần làm việc 5 ngày chỉ mới xuất hiện cách đây một thế hệ, được đưa vào luật lao động năm 2004, bắt đầu từ khu vực công và các công ty lớn hơn sau đó lan sang các công ty nhỏ hơn. Giới hạn pháp lý 52 giờ cho tuần làm việc cũng tương đối mới: Bắt đầu từ năm 2018. Trước đó, giờ làm việc mỗi tuần là 68 giờ.
Các công ty lớn ở Hàn Quốc đang kêu gọi đội ngũ giám đốc điều hành làm việc nhiều giờ hơn mô tả các biện pháp này là phản ứng trước tình trạng suy thoái trong kinh doanh, lý do là khủng hoảng tạm thời hoặc trường hợp khẩn cấp. Tăng trưởng ở Hàn Quốc không đồng đều, với chi tiêu tiêu dùng yếu làm ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp. Nền kinh tế Hàn Quốc bất ngờ suy giảm trong quý trước.
Tại HD Hyundai Oilbank, khoảng 40 giám đốc điều hành bắt đầu đến văn phòng vào các ngày cuối tuần trong những tuần gần đây để “ứng phó với cuộc khủng hoảng do tình hình kinh doanh trì trệ gây ra”, theo một đại diện của công ty. Doanh số và lợi nhuận của HD Hyundai Oilbank giảm mạnh vào năm ngoái do giá dầu giảm.
Vào tháng 7 năm nay, SK On – đơn vị sản xuất pin và xe điện của một tập đoàn công nghệ – thông báo chuyển sang “chế độ khẩn cấp”, đóng băng lương của các giám đốc điều hành và yêu cầu bắt đầu ngày làm việc sớm hơn. “Các giám đốc điều hành cùng lãnh đạo sẽ làm gương và đảm nhận trách nhiệm lớn trong việc vượt qua khủng hoảng” – Lee Seok-hee, giám đốc điều hành của SK On, nêu trong cuộc họp nhân viên.
Một phát ngôn viên của Samsung Electronics cho biết, dù không phải chính sách chính thức của công ty, nhưng “các giám đốc điều hành có thể tự nguyện chọn làm việc vào cuối tuần theo nhu cầu công việc của họ”.
Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề xuất tăng giới hạn tuần làm việc lên 69 giờ. Đề xuất này vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng và các đảng phái chính trị đối lập. Sau đó, tổng thống đã rút lại kế hoạch.
Nhiều người ở Hàn Quốc đang thúc đẩy việc giảm giờ làm việc. Tuần làm việc 4 ngày là một phần trong các chương trình nghị sự của một số chính trị gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4 ở Hàn Quốc. Tháng 6 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một ủy ban cân bằng giữa công việc và cuộc sống với nhiệm vụ tìm hiểu các phương pháp làm việc linh hoạt hơn.