Ông Phạm Thanh Hùng hiện là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) xã. Ông Hùng tìm hiểu theo quy định huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang được biên chế cán bộ, công chức là 22 người, nhưng từ tháng 8.2023 đến nay khuyết 1 người (công chức UBND xã).
Ông Hùng băn khoăn không biết có được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND xã theo Nghị định số 33/2023NĐ/CP hay không?
Vấn đề này, ông Hùng đã được Bộ Nội vụ giải đáp vào tháng 3.2024. Sau đó, ông cũng đã báo cáo với Chủ tịch UBND xã và làm Tờ trình gửi UBND huyện xem xét.
Đến ngày 12.6.2024, ông được Phòng Nội vụ huyện An Biên, Sở Nội vụ, tỉnh Kiên Giang trả lời là trường hợp của ông không được hưởng kiêm nhiệm, do khuyết công chức, chứ không phải khuyết cán bộ.
“Tôi mong mỏi Bộ Nội vụ có Hướng dẫn cụ thể về trường hợp trên để đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ. Và bản thân tôi phải làm gì để được hưởng chế độ theo quy định của Chính phủ?” – ông Hùng thắc mắc.
Liên quan đến phản ánh, kiến nghị của ông Phạm Thanh Hùng, Bộ Nội vụ đã có ý kiến phản hồi.
Tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10.6.2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định:
Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 1 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định này thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Như vậy, ông Phạm Thanh Hùng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP nêu trên.