Hà NộiThấy có người đến hầm để xe của dãy biệt thự liền kề trên đường Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức bắt cá, anh Tuấn Anh cùng con gái 12 tuổi cũng mang cần ra câu.
Người đàn ông 50 tuổi cho biết trong 15 căn biệt thự liền kề ở mặt đường Lê Trọng Tấn có 9 nhà bỏ hoang, hầm để xe ngập sâu, nước dâng lên sát vỉa hè. Sau những trận mưa lớn kéo dài hôm 23/7, cá từ các ao hồ xung quanh theo dòng nước bơi vào và mắc kẹt trong hầm.
“Thấy nhiều người câu được cá rô đồng, rô phi, cá chép nên bố con tôi cũng mang cần ra thử”, anh Tuấn Anh nói, trưa 1/8.
Bốn ngày trước chị Phạm Thị Hà, 33 tuổi, ở Yên Nghĩa, Hà Đông cùng người thân đi qua khu vực này thấy một số hầm để xe bị ngập sâu, nghĩ có cá lại sẵn mang theo mồi và cần câu, gia đình chị dừng lại thả mồi. Sau gần hai tiếng, chị câu được hơn 20 con lớn nhỏ, đa phần là cá rô, con to nhất bằng bàn tay.
“Lần đầu câu được cá trong hầm của những căn biệt thự giá vài chục tỷ đồng cảm giác khá thú vị”, chị Hà nói.
Ông Lê Duy Tân, 62 tuổi, bảo vệ của một quán ăn trên đường Lê Trọng Tấn, cho biết gần một tuần nay rất đông người mang cần ra câu cá tại những căn hầm ngập nước. Giờ câu không cố định, chủ yếu từ chiều cho đến tối muộn. Ngoài câu, một số người còn dùng lưới mắt nhỏ thả trước cửa hầm nhưng không bắt được cá to, đa phần là cá rô, rô phi nhỏ. Có lần ông gặp cá chuối to bằng bắp tay, cá chép vàng bơi gần bờ nhưng hiếm người câu được.
“Đa phần cá theo nước từ ao, hồ gần đó bơi vào nhưng cũng có một số hộ chủ động mua cá về thả và nuôi tại đó”, ông Tân nói.
Một trong những người nuôi cá trong hầm ngập nước là chị Quỳnh Hoa, 32 tuổi. Chị thuê một căn shophouse từ tháng 6/2023. Từ ngày chuyển về, hầm để xe nhà chị trải qua ba đợt ngập nặng, thiệt hại tài sản lên đến vài chục triệu đồng. Rút kinh nghiệm, mỗi khi thấy mưa lớn chị chủ động đắp bờ bằng bao cát để ngăn nước và dùng hai, ba máy bơm chạy hết công suất để đẩy nước ra ngoài.
“Nhà tôi có máy bơm nên nước trong hầm rút nhanh, chứ mấy căn bên cạnh bỏ hoang, hầm ngập quanh năm. Thấy một số trẻ nhỏ thích câu cá, nghĩ sau này có thể bắt cá ăn nên cuối năm ngoái tôi mua thêm ít cá giống về thả, ngày hai lần lại đổ cơm hoặc thức ăn thừa xuống nuôi”, chị Hoa kể.
Gia đình chị chưa “tát ao” lần nào nhưng nhìn cảnh người lớn trẻ nhỏ mang cần ra câu cũng thấy vui.
Do ảnh hưởng của bão Prapiroon, trong hai ngày 23 – 24/7 có mưa lớn trên địa bàn Hà Nội khiến nhiều khu dân cư, tuyến đường ở khu đô thị thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức ngập sâu 40-80 cm. Theo người dân, khu vực ngập nặng nhất là đoạn ngã tư khu đô thị Nam An Khánh giao khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn. Đến ngày 1/8, hơn một tuần sau mưa lớn, khu vực này đã khô ráo, nhưng các hầm để xe của một số căn shophouse, biệt thự bỏ hoang vẫn ngập.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, cho biết úng ngập cục bộ tại các khu đô thị ở phía Tây Hà Nội nói riêng và toàn thành phố nói chung xảy ra nhiều năm nay. Nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước của khu đô thị thiếu kết nối với đường thoát nước chung của thành phố. Tình trạng nhiều khu đô thị gộp đường nước thải chung với ống thoát nước mưa trong khi nhu cầu cấp thoát nước lớn, cũng khiến tình trạng ngập úng gia tăng.
Ông Nghiêm cũng cho rằng một số cống ngầm thoát nước không thường xuyên được vệ sinh, rác thải tích tụ nhiều dễ gây tắc nghẽn; hệ thống kênh mương, hồ điều hòa, hồ đầu mối, quanh thành phố bị thu hẹp, chưa đủ dung tích và không đảm bảo dung lượng; trạm bơm cuối nguồn không đủ công suất hoạt động… khiến việc thoát nước gặp nhiều khó khăn, gây ra ngập úng.
“Nếu giải quyết được tất cả các vấn đề trên, ngập úng cục bộ tại các khu đô thị mỗi khi mưa lớn sẽ không còn xảy ra”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Gần 50 năm sống tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, chị Nguyễn Thanh, tình trạng ngập úng trong thời gian dài còn gây ô nhiễm môi trường của khu vực này trầm trọng hơn với rêu, bùn đất và rác thải.
“Chẳng ai nghĩ giữa con phố sầm uất, trong các căn biệt thự hàng triệu đô là nơi sinh sống của các loại cá và là điểm đánh bắt lý tưởng với người dân những lúc rảnh rỗi”, chị Thanh nói.
Quỳnh Nguyễn