Nhiều biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) giảm giá 15-20%, cá biệt nhiều căn giảm đến 40% vẫn không có giao dịch.
Chị Thu Trang, một nhà đầu tư cá nhân ở TP HCM đang rao bán lỗ hai căn nhà phố thương mại tại Phú Quốc, sau hai năm không khai thác cho thuê được.
Chị cho biết đã mua hai căn trên từ giữa năm 2020 với tổng chi phí 20 tỷ đồng, trong đó vốn tự có chỉ 30%, số còn lại vay ngân hàng. Đến nay, dù hoàn thiện mặt ngoài khang trang, cả hai sản phẩm trên đều không tìm được khách thuê. “Không khai thác được dòng tiền, tôi đành rao bán lại với giá giảm đến 40%”, chị nói.
Tuấn Tú, một môi giới bất động sản cho biết khu vực tập trung nhiều dự án nghỉ dưỡng như Gành Dầu, Dương Đông, tình trạng biệt thự, nhà phố thương mại đã hoàn thiện, bán cho khách hàng từ mấy năm trước đến nay vẫn bỏ trống. Một số dự án tuy chủ đầu tư cam kết với người mua sẽ cho thuê lại và trả lãi hàng năm nhưng không thực hiện được. Nguồn thu từ cho thuê không đạt kỳ vọng, thị trường ảm đạm nên nhiều nhà đầu tư rao bán, cắt lỗ.
Ghi nhận từ VnExpress cũng cho thấy tình trạng tương tự diễn ra với thị trường Phan Thiết và Bà Rịa – Vũng Tàu. Một dự án nghỉ dưỡng khu vực Hồ Tràm từng được nhà đầu tư tranh suất mua, giá khởi điểm 15-30 tỷ đồng giờ hàng thứ cấp sang tay mỗi căn giảm từ 5-10 tỷ đồng. Hay tại một đại đô thị nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Bình Thuận, nhà phố được chủ đầu tư bán ra 6-12 tỷ đồng, hiện sang tay chỉ còn 3,5-9 tỷ đồng.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận cho biết 7 tháng qua, thị trường này có 1-2 chủ đầu tư mở bán nhưng giao dịch khiêm tốn. Doanh nghiệp này cũng không có sản phẩm mới để bán mà chỉ chuyển nhượng hàng thứ cấp cho nhà đầu tư cũ. Mức giá bán gần như giảm 20-40% so với giá hợp đồng và giao dịch rất chậm.
Báo cáo từ DKRA Group cho biết quý II, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có 60 dự án biệt thự mở bán mới, tổng nguồn cung đạt 2.180 căn nhưng tỷ lệ tiêu thụ ghi nhận khoảng 2%, tương đương bán được 54 căn. Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng cũng ảm đạm với 3.066 căn mở bán, tiêu thụ vỏn vẹn 20 căn, tương đương 1% trên nguồn cung mới.
Theo đơn vị này, dù giá bán sơ cấp có xu hướng đi ngang, giá sang nhượng thứ cấp vẫn giảm sâu, trung bình giảm 15-20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40-50% nhưng vẫn khó bán.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có những chuyển biến tích cực trong quý II so với quý I và năm 2023 nhưng chưa hoàn toàn thoát khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn thị trường ghi nhận 3.114 sản phẩm mở bán mới, tỷ lệ tiêu thụ đạt 58% tương đương với 1.799 giao dịch. Tuy nhiên 94% lượng giao dịch đến từ 1 dự án căn hộ du lịch (condotel) được cấp sổ hồng. Nếu loại trừ dự án trên thì thanh khoản chung khá ảm đạm.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, cho biết thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lượng tiêu thụ giảm từ 60-69% so với cùng kỳ, phần lớn tập trung ở những dự án có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng mỗi căn. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm lực cầu, khó có khả năng tăng giá ngắn hạn.
Theo ông Thắng, giá trị của bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào khả năng khai thác thương mại. Những năm qua, du lịch trong nước có sự phục hồi nhưng thu hút khách quốc tế vẫn chưa tạo đột phá. Bên cạnh đó, việc phát triển ồ ạt, làm với mục đích bán cho nhà đầu tư thu lợi chứ chưa thực sự quan tâm đến yếu tố khai thác du lịch, nâng cao chất lượng quản lý vận hành khiến nhiều dự án nghỉ dưỡng dù sở hữu vị trí đẹp vẫn không thu hút được khách lưu trú, thăm quan và tiêu dùng.
“Vận hành dự án thiếu chỉn chu, thiếu tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư đối với khách hàng, rất dễ khiến nhiều người quay lưng với bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Thắng nói thêm.
Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam, nhận định niềm tin của nhà đầu tư cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp. Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng do vướng mắc pháp lý khiến dự án chưa thể triển khai, trong khi lượng hàng tồn kho toàn ở phân khúc giá cao. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư với sản phẩm này còn thấp, gây trở ngại đáng kể cho sự phục hồi thanh khoản nửa cuối năm.
“Chu kỳ ngủ đông của bất động sản nghỉ dưỡng khả năng còn kéo dài đến giữa năm 2025”, bà dự báo.
Phương Uyên