Điểm chuẩn ngành báo chí, truyền thông luôn cao chót vót
Năm 2023, điểm chuẩn thuộc nhóm ngành báo chí truyền thông của các trường top đầu luôn ở mức cao chót vót. Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện là trường có điểm chuẩn các ngành thuộc nhóm ngành báo chí, truyền thông cao nhất. Nhiều ngành của trường phải hơn 9 điểm/môn mới có thể đỗ, ví dụ như: Báo truyền hình lấy 37,23 điểm, Báo mạng điện tử lấy 36,98 điểm trên thang điểm 40 và Truyền thông đa phương tiện lấy 28,68 điểm trên thang điểm 30.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tương tự với ngành Quan hệ công chúng lấy 28,78/30 điểm, thí sinh phải đạt trung bình gần 10 điểm/môn mới có thể đỗ.
Năm 2024, các ngành thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông tiếp tục chứng minh sức hút khi điểm chuẩn xét tuyển sớm ở mức rất cao. Ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông lấy 28/30 điểm theo phương thức xét tuyển kết hợp.
Bạn Lê Thanh Mai (học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho biết, bản thân lựa chọn ngành báo chí, truyền thông vì sự năng động. “Ngay từ khi lên lớp 10 em đã tìm hiểu các ngành học có thể phù hợp với bản thân mình. Vì em là một người thích xê dịch nên đã chọn các ngành thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông để được làm những công việc phù hợp với sở thích của bản thân” – Thanh Mai nói.
Còn với bạn Đinh Hải Yến (học sinh Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) kỳ vọng lĩnh vực truyền thông có thể giúp bản thân phát triển toàn diện: “Học truyền thông sẽ được học nhiều kỹ năng, được phát triển bản thân theo hướng toàn diện nhất. Em nghĩ ngành này sẽ giúp em phát triển được thế mạnh của mình”.
Cơ hội việc làm rộng mở
Năm 2024, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của các ngành thuộc lĩnh vực báo chí truyền thông tiếp tục được dự đoán sẽ ở top đầu.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Huệ – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – nhận định, mức điểm chuẩn của ngành báo chí truyền thông có thể tăng nhẹ. Một trong những lý do hàng đầu khiến ngành báo chí, truyền thông hút học sinh là do cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường.
Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Thị Thu Hằng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Truyền thông 5S Media cho biết, hiện nay, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có bộ phận truyền thông nên nhu cầu nhân lực của ngành nghề này rất lớn.
“Hiện nay, cơ hội về việc làm rất rộng mở đối với các bạn học chuyên ngành về truyền thông và báo chí. Nếu làm đúng chuyên ngành, các bạn có thể làm cho các đơn vị báo chí hoặc các công ty truyền thông, bộ phận marketing của doanh nghiệp. Với cái sự phát triển của xã hội, nhu cầu mở rộng quy mô, thị trường của các doanh nghiệp đều rất lớn nên họ cũng sẽ dành nhiều sự ưu ái cho bộ phận truyền thông, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Vì thế nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ rất cao” – bà Phạm Thị Thu Hằng thông tin.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cũng có lời khuyên dành cho các học sinh muốn theo học ngành báo chí, truyền thông: “Sẽ có những bạn học sinh theo học vì cảm thấy ngành này rất nhiều điều thú vị và nghĩ nó toàn màu hồng. Tuy nhiên, thực tế ngành này kể cả lúc đi học hay đi làm không phải lúc nào cũng màu hồng mà trái lại còn rất vất vả. Các bạn phải thực sự am hiểu sâu về lý thuyết và cả các kỹ năng thực tế, phải ném mình vào “lò luyện” để có thêm thật nhiều kỹ năng, biến mình thành một con người đa năng, lăn lộn và thích ứng nhanh”.