
Chiều 11.8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã Quyết định tạm giữ đối tượng Trần Tấn Phong (sinh năm 1978) để điều tra.
Khoảng 12h45 cùng ngày, Trần Tấn Phong lái ôtô đi trên đường Nguyễn Chí Thanh và rẽ vào đường Lê Chí Dân – thành phố Thủ Dầu Một. Cho rằng anh P.T.S (sinh năm 1997) lái ôtô cản trở Phong qua đường nên chạy vượt lên phía trước đầu xe của anh P.T.S.
Phong nhặt 1 khúc xương bò trên vỉa hè và xông tới đập vỡ cửa kính xe ôtô của anh S. Khi anh S bước ra khỏi xe thì Phong dùng tay nắm tóc và cầm khúc xương bò ép anh S phải quỳ gối, chắp tay xin lỗi.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Trần Tấn Phong đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, có dấu hiệu phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng”; “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Làm nhục người khác”.
Gây rối trật tự công cộng thì rõ rồi. Phong dùng khúc xương bò đập vỡ kính ôtô, hành động phá hoại đã hoàn thành. Phong bắt anh S bắt tài xế phải quỳ xin lỗi là làm nhục anh S. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trở lại vụ việc, hai bên chưa va chạm giao thông, nhưng Phong quá hung dữ, chặn xe anh S và quát mắng: “Mày dân ở đâu tới đây… Tao chém mày luôn. Mày tin không… Tao cho xe đến bắt mày luôn bây giờ…”.
Chỉ một xung đột giao thông rất nhỏ, thường xảy ra trên đường phố, nhưng Trần Tấn Phong gây ra những chuyện phức tạp, mất trật tự, thậm chí đòi hành hung, hạ nhục người khác. Những hành động của Trần Tấn Phong chưa nói tới có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mà là thiếu văn hóa, xa lạ với xã hội văn minh.
Một xã hội văn minh đòi hỏi mọi công dân trước hết phải chấp hành pháp luật, sau đó là sống có văn hóa, ứng xử văn minh, tôn trọng người khác.
Đối với người lớn, giao tiếp, ứng xử trong xã hội còn là làm gương cho con cái mình, cho giới trẻ. Thanh thiếu niên nhìn vào người lớn, thấy chỉ xung đột nhỏ đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, liệu các bạn sẽ học được gì ở người lớn.
Riêng với Trần Tấn Phong, ông sẽ giáo dục con cái thế nào khi hình ảnh, video clip về hành vi hung hăng, dọa nạt, bắt người khác quỳ tràn lan trên mạng xã hội. Bản thân ông thì bị khởi tố và bắt tạm giam. Những thông tin, hình ảnh đó theo đuổi bản thân ông, gia đình ông mãi mãi. Không phải là “bia miệng”, mà là “bia internet”.
Từ vụ bắt tài xế quỳ lạy xin lỗi ở Bình Dương là bài học cho mọi người về ứng xử khi có những xung đột hay va chạm giao thông. Cha ông dạy rất đúng: “Một sự nhịn chín sự lành”.