Theo Tiến sĩ M Rajini, Bác sĩ phụ khoa tư vấn, Bệnh viện CARE, Banjara Hills, Hyderabad, Ấn Độ, sắt là một khoáng chất thiết yếu không chỉ giúp tạo ra hemoglobin, một loại protein trong tế bào hồng cầu (RBC) có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể, mà còn giúp tạo ra myoglobin, giúp cung cấp oxy cho cơ.
Ngoài ra, cung cấp đủ sắt sẽ giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ chức năng não và xây dựng cơ bắp khỏe mạnh. Nếu mức độ sắt trong cơ thể không đủ có thể cản trở các chức năng khác nhau và làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng, bao gồm tình trạng thiếu máu.
Nguy cơ thiếu máu ở phụ nữ và nam giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn thế giới. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, trẻ em gái tuổi vị thành niên, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt và phụ nữ mang thai.
Tiến sĩ Rajini cho biết thêm, mất máu trong quá trình sinh nở cũng có thể làm giảm lượng sắt ở phụ nữ, khiến họ dễ bị thiếu máu hơn.
Ngoài ra, nam giới cũng có thể bị thiếu máu, mặc dù ít phổ biến hơn ở phụ nữ. Nguyên nhân bao gồm chế độ ăn uống kém, bệnh mạn tính và chảy máu đường tiêu hóa.
Cần bao nhiêu sắt để cơ thể hoạt động khỏe mạnh?
Tiến sĩ Rajini chia sẻ lượng sắt khuyến nghị hằng ngày, thay đổi theo độ tuổi, giới tính và giai đoạn cuộc sống:
– Phụ nữ (19-50 tuổi): 18 mg/ngày.
– Phụ nữ mang thai: 27 mg/ngày.
– Phụ nữ (51 tuổi trở lên): 8 mg/ngày.
– Nam giới (19 tuổi trở lên): 8 mg/ngày.
Nguồn thực phẩm giàu sắt
– Thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn.
– Gia cầm, chẳng hạn như gà và gà tây.
– Các loại cá như cá hồi, cá ngừ và cá mòi.
– Các loại đậu như đậu lăng, đậu gà và đậu Hà Lan.
– Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn và cải cầu vồng.
– Các loại hạt như hạt bí ngô, hạt điều và hạnh nhân.
– Trái cây sấy khô như mơ, nho khô và mận khô.