Để đảm bảo an toàn, trong thiết kế thi công và lựa chọn kính cường lực cho công trình cần chú ý đến nguồn gốc sản xuất, khả năng chịu tải, chịu va đập của kính trước các tác động của thiên tai, mưa bão giông lốc.
Thời gian gần đây, hình ảnh và câu chuyện về một nữ bác sĩ bị thương do một tấm kính của quán cà phê rơi trúng người, được lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận xôn xao.
Thông tin từ The Coffee House, trận giông lốc kèm mưa đá vào ngày 20/4, đã làm vỡ kính tại tòa nhà Việt Tower (số 1 Thái Hà, Hà Nội) – nơi The Coffee House thuê mở địa điểm kinh doanh. Sự cố khiến một số khách hàng và nhân viên bị thương.
Trong đó, trường hợp của chị H.M.L. (sinh năm 1995, quê ở Nghệ An) đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội bị thương rất nặng, sau nhiều ngày vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện.
Tấm kính tại quán cà phê rơi trúng người
Kính cường lực, hay kính chịu lực, đang được sử dụng nhiều tại các công trình xây dựng. Hiện tượng kính cường lực tự vỡ không phải là hiếm. Các thiết bị làm từ kính chịu lực như cửa, vách, giá đựng, bồn rửa mặt, bàn bếp… đều từng xảy ra sự cố.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kính bị vỡ như do khung nhôm vách kính ngoài mặt tiền có diện tích kính khá lớn nhưng thiết kế chưa tính toán tác động của thiên tai, giông lốc mưa bão.
Ngoài ra, độ dày của kính không đạt tiêu chuẩn do đó hệ khung nhôm vách kính này có liên kết yếu, độ bền kém không đủ khả năng chịu tải trọng gió lớn…
Vậy, kính cường lực là loại vật liệu như thế nào, có ưu điểm gì mà được sử dụng phổ biến trong xây dựng?
Kính cường lực là gì?
Kính cường lực hay còn gọi là kính an toàn có khả năng chịu lực cao, được xử lý bằng nhiệt độ hoặc hóa chất nhằm tăng cường sức chịu đựng tải trọng và chống chịu va đập của nó so với các loại kính thông thường.
Kính cường lực đang được sử dụng nhiều tại các công trình xây dựng
Hiện nay, vật liệu kính cường lực được sản xuất bằng cách gia nhiệt tấm kính trắng thông thường tới 700 độ C và được làm nguội nhanh bằng khí mát. Theo đó, quá trình làm nguội nhanh bằng khí mát nhằm tạo độ cứng cho bề mặt, giúp cho tấm kính có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao gấp 5-7 lần kính thường.
Đây được xem là loại kính an toàn nhờ có khả năng chịu lực, chịu va đập mạnh, chống rung hiệu quả, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Ngoài ra khi bị vỡ, tấm kính chịu lực này sẽ vỡ thành hạt vụn có kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn hạt ngô với bề mặt các cạnh không bị sắc nhọn, hạn chế tối đa thương tích cho người sử dụng.
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại kính cường lực, đó là kính cường lực hoàn toàn và kính bán cường lực, với chiều dày phổ biến từ 4-19mm.
Đối với vị trí lắp đặt làm cửa chính, vách ngăn, cầu thang và lan can thì nên sử dụng kính cường lực hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Còn đối với kính cửa sổ, cửa đi thông phòng hay mặt bàn thì có thể sử dụng kính bán cường lực để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng.
Do tiêu chuẩn kính cường lực là loại kính tôi nên việc khoan lỗ, khắc, cắt hay là xử lý cạnh kính thì phải được thực hiện trước khi tôi.
Ưu điểm
Khả năng chịu lực, độ an toàn cao
Ưu điểm nổi bật của kính cường lực là khả năng chịu lực, chịu nhiệt, khó vỡ nhờ được tôi luyện ở nhiệt độ cao, sau đó được làm lạnh nhanh. Cụ thể, kính cường lực có khả năng chịu lực tốt gấp 4-5 lần so với các loại kính xây dựng thông thường.
Kính cường lực được sử dụng làm sàn, vách ngăn
Nhờ khả năng chịu lực tốt nên kính cường lực có thể chịu được lực va đập mạnh. Đặc biệt, trong trường hợp kính cường lực bị vỡ sẽ tạo thành các hạt nhỏ không có sắc cạnh nhọn nên bảo an toàn cho người xung quanh.
Chống ồn, cách nhiệt tốt
Các loại kính cường lực bên cạnh ưu điểm chịu lực còn có khả năng cách âm rất tốt, giúp hạn chế được tiếng ồn bên ngoài.
Nhờ vào đặc tính cách âm tốt nên loại kính này được sử dụng nhiều để làm vách ngăn, mang đến không gian yên tĩnh. Bên cạnh đó, loại kính này còn có thể chịu được sốc nhiệt lên đến 150 độ C.
Tính thẩm mỹ
Kính cường lực thường trong suốt, giúp làm tăng hiệu quả thẩm mỹ cho không gian kiến trúc, giúp không gian thoáng đãng và tiết kiệm kinh phí cho hệ thống chiếu sáng. Ngoài ra, bề mặt của kính phẳng, nhẵn rất thuận tiện cho việc vệ sinh.
Nhược điểm
Bên cạnh các ưu điểm trên, kính cường lực vẫn có một số hạn chế nhất định. Cụ thể, nếu sử dụng quá nhiều kính cường lực trong phòng dễ gây hiệu ứng thừa sáng hoặc hiệu ứng nhà kính.
Vách kính cường lực nhà tắm bị phát nổ, vỡ
Kính cường lực cũng có nguy cơ vỡ nổ nhưng tỷ lệ này rất thấp. Ngoài ra, loại kính này không thể tái gia công như kính thông thường. Việc mài cạnh hay khoan lỗ gia công đều phải thực hiện trước khi tôi nhiệt.
Do đó, để đảm bảo an toàn, trong thiết kế thi công và lựa chọn kính cường lực cho công trình cần chú ý đến nguồn gốc sản xuất, khả năng chịu tải, độ bền, tiêu chuẩn an toàn, khả năng chịu va đập của kính trước các tác động của thiên tai, mưa bão giông lốc…