Ngày 1.8, tại Phủ Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hội đàm, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí củng cố hơn nữa các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực mới tiềm năng.
Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các kênh thường xuyên, nhất trí định kỳ hàng năm Thủ tướng hai nước gặp gỡ thông qua chuyến thăm hoặc tiếp xúc tại các hội nghị đa phương; tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy ban Hỗn hợp do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì trong việc rà soát, cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác, đôn đốc triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2024 – 2028.
Hai Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước đang triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030 (ký năm 2022), nhất trí mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, đẩy mạnh hợp tác về an ninh hàng hải, hợp tác tin cậy về an ninh mạng, trao đổi thông tin tình báo và chống khủng bố.
Hai Thủ tướng bày tỏ nhất trí triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều tăng gấp đôi so với mức hiện nay vào năm 2030.
Hai bên nhất trí và giao cơ quan hữu quan hai bên thông qua cơ chế hiện có, thường xuyên trao đổi nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại cũng như đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ xem xét tích cực đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam về cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đề nghị sớm ký Hiệp định về Thương mại điện tử, Hiệp định Thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khuyến khích các tập đoàn lớn, tỉ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau hội đàm, hai bên chứng kiến lễ trao 9 văn kiện hợp tác và trao Công hàm về việc Việt Nam gia nhập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI).
Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hai Thủ tướng Chính phủ đã ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang.
9 văn kiện hợp tác Việt Nam – Ấn Độ gồm:
1. Chương trình hành động Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028.
2. Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ.
3. Bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh và truyền hình giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Prasar Bharati Ấn Độ.
4. Hai hiệp định vay tín dụng giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ trị giá 300 triệu USD.
5. Bản ghi nhớ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy nước Ấn Độ về hợp tác và phát triển khu phức hợp di sản hàng hải quốc gia (NMHC) tại Lothal, Gujarat.
6. Ý định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về bảo tồn và phục hồi khu tháp F tại Mỹ Sơn, Quảng Nam, Việt Nam.
7. Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan và Thuế gián tiếp của Ấn Độ về đào tạo nguồn nhân lực.
8. Bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế Việt Nam) và Ủy ban Dược liệu quốc gia Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực cây dược liệu.
9. Bản ghi nhớ giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông nghiệp Trung ương Imphal, Manipur.