Rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31.8.2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,7% số dự án mới và 77,3% số vốn đầu tư của cả nước trong 8 tháng.
Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 8 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, kết quả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chứng minh tính hấp dẫn, sức cạnh tranh và vị thế, tiềm năng của thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Đồng thời, thể hiện sự tiếp tục xu hướng tích cực của hoạt động đầu tư nước ngoài vốn đã định hình trong nhiều tháng qua.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế – cho rằng, hiện nay Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút vốn FDI. Điều này thể hiện qua việc vốn FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam đều tăng mạnh, ngay cả trong những năm khó khăn như 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những dữ liệu này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư thuận lợi, có khả năng sinh lời tốt.
“Đặc biệt, các yếu tố tạo nên sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bao gồm môi trường đầu tư ổn định, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước hiệu quả và có lợi nhuận. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trở thành một trong những quốc gia hội nhập nhanh và mạnh nhất trong khu vực. Môi trường đầu tư cải thiện và đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định thương mại” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Điểm dừng chân cho các ông lớn công nghệ rót vốn
Hiện tại, nhiều công ty, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn, nổi tiếng thế giới đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để nghiên cứu khả năng đầu tư dự án mới tại Việt Nam. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là những tập đoàn làm chủ công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 13 dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ tương lai, Trung tâm R&D, Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao có vốn hàng chục tỉ USD sắp được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, đang thương thảo để tiến tới thực hiện tại một số tỉnh, thành phố. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 8 tháng năm 2024.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia Kinh tế – cho biết, trong thời gian gần đây, Việt Nam nhận được sự quan tâm đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được lượng FDI ngày càng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Điều này phù hợp với định hướng phát triển công nghệ mới của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao. Khi thu hút được lượng vốn FDI lớn, chất lượng cao vào các ngành công nghệ then chốt sẽ cải thiện và tiệm cận môi trường đầu tư với các nước hàng đầu như: Mỹ, Trung Quốc, Singapore…
“Việt Nam cần xác định rõ ràng vai trò và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn, tránh tình trạng chỉ là gia công cho các tập đoàn nước ngoài. Phải kết hợp hiệu quả giữa thu hút FDI và phát triển nội lực, nhằm xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ công nghệ cốt lõi trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết.