Thứ tư, 14/08/2024 20:00 (GMT+7)
–“Những người thầy giáo ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” là một ví dụ tiêu biểu mà tôi hay trích dẫn (Tác phẩm của phóng viên Đặng Chung và Văn Phú, đoạt giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục – năm 2018, Giải B Giải Báo chí Quốc gia – năm 2019). Có một thực tế là, khi viết bài chân dung, phóng sự chân dung, các nhà báo thường có thói quen tìm một câu khái quát, câu đánh giá thật kêu về nhân vật, rồi lấy câu khái quát đó làm tít bài. Và thế là bài báo có cái tít kêu như bản báo cáo thành tích nhưng rất chung chung, không có gì đặc biệt để nhớ, để đọc, để thích thú. Vì kết quả của sự khái quát thường giống nhau.
Chẳng hạn: “Những nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người”, “Một đảng viên tận tụy với công tác xã hội”, v.v… “Hết lòng” và “Tận tụy” là khái niệm không xác định, đúng với nhiều người, nhiều nơi, như cái mũ rộng vành, đội vào đầu ai cũng được. Rút tít “Những người thầy giáo ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” là lấy việc cụ thể để nói cái khái quát (ai đọc cũng hiểu), hay hơn, hấp dẫn hơn nhiều so với viết “Những người thầy giáo hết lòng vì học trò…” theo cách thường thấy. Đó là lối viết giản dị, mộc mạc như lời người lao động vậy. Mà sự giản dị thường dễ thuyết phục công chúng hơn, nhất là công chúng công nhân, người lao động.
Cách đây 5 năm, khi đang làm Trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam, tôi có trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động. Tôi từng nói và bây giờ vẫn nói: Lao Động là một trong những tờ báo chính trị – xã hội tiêu biểu của báo chí cả nước. Năm 1995, Lao Động được bình chọn là một trong 200 tờ báo hiện đại, tiêu biểu của châu Á, tham dự Triển lãm báo chí quốc tế. Bây giờ tôi vẫn thích design của Báo theo cách đó.
Vừa làm báo, vừa hoạt động chuyên trách nghiệp vụ báo chí, nghiên cứu và giảng dạy báo chí, tôi coi Lao Động là một trong những tờ báo có chất nghề. Theo tôi, Lao Động là tờ báo chịu khó đầu tư nghiệp vụ và gặt hái nhiều thành công ở những mặt tiêu biểu dưới đây:
Thứ nhất, là một trong những tờ báo thành công trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chống bất công, phi lý trong xã hội. “Lao Động là một trong những kiện tướng trên mặt trận chống tiêu cực” (Lời nhà báo nổi tiếng Quang Đạm, nói tại Hội nghị ngày 10/6/1988 ở toà soạn báo Lao Động). Từ đầu thời kỳ Đổi Mới, nhiều vụ tiêu cực được báo phát hiện, đấu tranh phê phán (cùng với Đại đoàn kết, Tuần tin tức, Tiền Phong…) và gần đây, nhiều tác phẩm đã đoạt giải cao Giải báo chí quốc gia.
Nhiều loạt bài điều tra của Lao Động đầy ắp tư liệu thuyết phục và cách viết sắc mà chắc, tính đấu tranh, phản biện cao. Chất nghề này không dễ mà có được, nếu báo không có truyền thống đấu tranh phê phán; nếu không có những cây bút giỏi nghề và gắn bó, yêu thương người lao động thật sự. Lao Động có nhiều nhà báo “phá cách”, có phong cách riêng, cả trong tác nghiệp, cả trong thể hiện tác phẩm. Nhiều tác giả được đồng nghiệp thừa nhận, gắn với phong cách nghề nghiệp riêng của Lao Động: Nguyễn An Định, Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự), Nguyễn Đắc Xuân, Vĩnh Quyền, Đặng Bá Tiến, Thang Đức Thắng, Ngô Mai Phong, Nguyễn Trung Hiếu, Huỳnh Dũng Nhân, Việt Văn (ảnh báo chí)…
Thứ hai, luôn tiên phong, dũng cảm trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ các chính sách cho đến quyền lợi cụ thể. Các vụ việc được phát hiện, được báo đeo bám đến cùng, đứng về phía người lao động bị hại, bị thiệt. Những năm 1986 – 1987, những bài viết của nhà báo Nguyễn An Định dũng cảm phanh phui trên báo Lao Động những tiêu cực ở một nhà máy cơ khí lớn trên đường Bà Triệu (lúc đó phải ghê gớm lắm mới viết được, vì xã hội và cả báo chí vẫn quen tư duy bao cấp, phản ánh một chiều). Công nhân nhà máy, sau đó, đón chào nhà báo Nguyễn An Định như một người hùng.
Gần đây, Lao Động vẫn tiếp tục là tờ báo có nhiều bài viết được dư luận đánh giá cao, nhiều tác phẩm đoạt giải cao Giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Đó là những tác phẩm báo chí đấu tranh bảo vệ quyền lợi người công nhân, người lao động trên nhiều ngành nghề, các giáo viên, các nhà khoa học,… Năm 2019, loạt điều tra công phu, dũng cảm, kiên cường bám đuổi và đứng về phía người dân bị lợi dụng tín ngưỡng, phanh phui vụ việc chấn động xã hội “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”, được dư luận rộng rãi ủng hộ. Nhiều người biết, nhiều nhà báo biết việc nhạy cảm này ở chùa này, nhưng chỉ Lao Động dám làm và làm được.
Thứ ba, luôn đổi mới nghiệp vụ báo chí và công nghệ làm báo. Ra đời ngày 19.5.1999, laodong.vn là một trong hai báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam (cùng với Nhân Dân điện tử). Báo Lao động điện tử cũng sớm bắt kịp xu hướng báo điện tử thế giới: Năm 2001 chuyển sang làm web động, sau đó, thiết lập các công cụ tương tác với bạn đọc dưới mỗi bài viết; năm 2010 hoạt động độc lập với báo in, có phóng viên riêng; năm 2014 ra mắt chuyên trang video và phiên bản mobile; năm 2017 thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ; từ năm 2020 áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào làm báo… Lao Động cũng là một trong những báo điện tử sớm thực hiện đa phương tiện (multi media). Ngoài việc tiên phong, Lao Động điện tử (cùng với VietnamPlus.vn, VnExpres.net,…) sớm áp dụng thành công những dạng thức mới của báo chí đa phương tiện như longform, infographic, megastory…
Những đổi mới này là nền tảng vững chắc cho những sáng tạo nghề nghiệp của phóng viên và của báo. Khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào làm báo, chắc chắn có tác động tới lao động làm báo và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và tòa soạn. Nếu khai thác tốt trí tuệ, kinh nghiệm vốn có của tập thể vào những khâu tác nghiệp, chắc chắn sẽ có tác phẩm tốt. Báo in đang ngày càng ít bạn đọc, nên đi sâu thông tin chuyên đề, phân tích, tổng hợp, chuyên luận. Đầu tư hơn cho ảnh báo chí (báo đã có truyền thống về ảnh báo chí khá tốt) và công cụ, sản phẩm đa phương tiện trên báo điện tử. Khích lệ người lao động viết về họ, về đồng nghiệp của họ.