Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố kết quả thanh tra đột xuất (từ ngày 9 – 13.6.2024) công tác chỉ đạo và thực hiện quy chế tuyển sinh của Sở GDĐT Hải Phòng đối với việc chấm thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025.
Không mong đợi, là kết luận thanh tra đã chỉ ra có việc chấm thi kỳ thi này ở Hải Phòng có hạn chế, thiếu sót, vi phạm liên quan đến quá trình chấm thi, nhập điểm, làm phách, chỗ ngồi của giám khảo…
Đặc biệt, giám khảo chấm độc lập nhưng lại trao đổi với nhau, giám khảo chưa thực hiện đúng theo quy trình chấm thi tự luận; ký, ghi rõ họ tên vào bài thi của thí sinh; giám khảo 1 ghi điểm số vào bài thi của thí sinh; giám khảo 2 không ghi điểm vào lề mà ghi vào từng câu trên bài làm của thí sinh…
Hôm trước, lãnh đạo địa phương lân cận TP Hải Phòng, là tỉnh Thái Bình, đã có một động thái cho thấy tính chất nghiêm trọng và nghiêm túc khi tạm đình chỉ 15 ngày chức vụ Giám đốc Sở GDĐT của ông Nguyễn Viết Hiển để phục vụ thanh tra việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.
Kèm theo đó là tinh thần khẩn trương khi Đoàn thanh tra của Thái Bình làm việc cả Thứ bảy và Chủ nhật để đảm bảo tiến độ.
Hải Phòng, Thái Bình, cùng với những lùm xùm trước đó về việc chênh lệch điểm trước và sau khi phúc khảo ở kỳ thi vào lớp 6 của Hà Nam hay vào lớp 10 chuyên ở Thanh Hóa, lần nữa cho thấy kỳ thi vào lớp 10 năm nay, như Lao Động từng đặt vấn đề, có rất nhiều dấu hỏi lớn về sự công bằng và nghiêm minh.
Điều này khiến dư luận có cảm giác rằng, nếu có một cuộc tổng thanh tra toàn diện ở các địa phương thời điểm này, khả năng sẽ có nhiều “Hải Phòng” có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác chấm thi vào lớp 10.
Các địa phương, trước mắt là Hải Phòng, sau khi có kết luận thanh tra phải làm rõ việc “hạn chế, thiếu sót, vi phạm” cụ thể như thế nào, lỗi là do năng lực yếu kém hay cố ý? Cố ý thì ai được lợi, ai bị hại?
Hạn chế, thiếu sót, vi phạm dù yếu kém, vô tình hay cố ý trong các kỳ thi đều không thể chấp nhận được vì sẽ tước mất cơ hội học tập của những người xứng đáng, gây dư luận xấu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh giáo dục của đất nước.
Các kỳ thi, như vào lớp 10, lâu nay do Sở GDĐT các địa phương chủ trì, nên việc đầu tiên, nếu có vi phạm thì phải làm rõ, quy trách nhiệm, xử lý thật nghiêm, trước hết là Giám đốc Sở GDĐT – Chủ tịch Hội đồng thi.
Thi cử quan trọng nhất là công bằng. Và công bằng chỉ thật sự đến khi các địa phương có giải pháp hữu hiệu để không còn tình trạng đến hẹn, sau mỗi kỳ thi là nơi nơi ì xèo chuyện phúc khảo, tố cáo, kiện tụng, thanh tra…