Trong khi Kỷ lục Thế giới Guinness chính thức liệt kê kim tự tháp Ai Cập Djoser (còn gọi là kim tự tháp bậc thang) là kim tự tháp lâu đời nhất thế giới (khoảng năm 2.630 trước Công nguyên), thì các nhà nghiên cứu Indonesia tuyên bố rằng một lớp của kim tự tháp Gunung Padang ở Indonesia đã được xây dựng từ năm 25.000 trước Công nguyên – mặc dù kể từ đó đã có những nghi ngờ về việc liệu công trình này có phải do con người tạo ra hay không.
Trong nghiên cứu do Danny Hilman Natawidjaja thuộc Viện Khoa học Indonesia dẫn đầu và được công bố trên tạp chí Archaeological Prospection, các học giả viết rằng “lõi của kim tự tháp bao gồm dung nham andesit khổng lồ được tạc tỉ mỉ” và “phần xây dựng lâu đời nhất” của kim tự tháp “có khả năng bắt nguồn từ một ngọn đồi dung nham tự nhiên trước khi được tạc khắc và sau đó được hoàn thiện về kiến trúc”.
Các tác giả viết: Nghiên cứu này làm sáng tỏ các kỹ năng xây dựng tiên tiến có từ thời kỳ băng hà cuối cùng. Phát hiện này thách thức niềm tin thông thường rằng nền văn minh nhân loại và sự phát triển của các kỹ thuật xây dựng tiên tiến chỉ xuất hiện… cùng với sự ra đời của nền nông nghiệp cách đây khoảng 11.000 năm.
Bằng chứng từ Gunung Padang và các địa điểm khác, chẳng hạn như Gobekli Tepe (ở Thổ Nhĩ Kỳ), cho thấy các hoạt động xây dựng tiên tiến đã xuất hiện từ khi nền nông nghiệp có lẽ vẫn chưa được phát minh.
Các học giả cũng tuyên bố rằng những người xây dựng “phải sở hữu khả năng xây dựng đáng kinh ngạc”, nhưng một nhà khảo cổ học người Anh đã bác bỏ bài báo, nói rằng ông “ngạc nhiên khi nó được xuất bản như vậy”.
Flint Dibble từ Đại học Cardiff nói với tạp chí Nature rằng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các lớp đá bị chôn vùi là do con người xây dựng.
“Về cơ bản, vật liệu lăn xuống đồi sẽ tự lăn theo các hướng” – ông nói và bổ sung rằng không có bằng chứng nào về “hoạt động hoặc bất cứ điều gì cho thấy đó là do con người tạo ra”.
Trong khi đó, Bill Farley, một nhà khảo cổ học tại Đại học Southern Connecticut State, được cho là đã nói rằng “các mẫu đất 27.000 năm tuổi từ Gunung Padang, mặc dù có niên đại chính xác, nhưng không mang dấu hiệu hoạt động của con người, chẳng hạn như than củi hoặc mảnh xương”.
Natawidjaja đã phản hồi lại lời chỉ trích bằng cách nói rằng “chúng tôi thực sự cởi mở với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới muốn đến Indonesia và thực hiện một số chương trình nghiên cứu về Gunung Padang”.
Trong khi đó, đồng biên tập của Archaeological Prospection xác nhận rằng một cuộc điều tra đã được tiến hành về vấn đề nêu trong nghiên cứu.