Chưa kịp thu hoạch lúa sau ảnh hưởng của mưa bão, nay 5 công lúa hè thu của chị Nguyễn Như Hạ (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) lại tiếp tục bị đe dọa vì triều cường và mưa dầm.
“Mưa dầm không cắt được lúa đã đổ ngã, giờ nước ở các sông dâng cao, chồng tôi túc trực ngoài đồng đắp bờ, bơm nước cứu lúa. Giờ chỉ mong trời nắng tầm 1-2 ngày thì mới cắt được, thiệt hại do mưa khoảng 50%”, chị Hạ nói.
Cùng nỗi lo, 6 công lúa vụ thu đông 2024 của ông Trần Văn Tý (49 tuổi, huyện Vị Thủy) tiếp tục bị đe dọa lần 2.
Ông Tý cho biết: “Lúc mới sạ thì gặp mưa, giống không lên phải gieo sạ lần 2 đã mất thêm chi phí. Giờ lúa đang làm đòng thì gặp mưa dầm, các kênh nội đồng nước dâng cao, tôi phải bơm thoát nước liên tục”.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn huyện Long Mỹ bước đầu ghi nhận hơn 140ha lúa hè thu đổ ngã do mưa bão, tỉ lệ đổ ngã từ 10-40%; hơn 46ha lúa thu đông bị ngập úng tại huyện Long Mỹ, Châu Thành A.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, do ảnh hưởng của bão số 3 và lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, triều cường dâng cao. Trong 1-2 tuần tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có thể sẽ tăng mạnh. Đỉnh lũ tháng 9 có khả năng xuất hiện vào khoảng ngày 19 – 22.9.
Tại ĐBSCL, đỉnh triều cường có khả năng cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và phổ biến xấp xỉ mức báo động 2, riêng trạm Gành Hào cao hơn mức báo động 3.
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác, đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh diện tích lúa trổ chín để hạn chế thiệt hại…
Còn tại Bạc Liêu, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai phương án bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản nếu có mưa lớn, triều cường.