Hà NộiNhiều tháng nay Thùy Dương phải đi làm sớm hơn nửa tiếng để được đi vào ngõ 126 Thượng Đình thông ra đường Nguyễn Trãi, tránh giờ hạ barie.
Cô gái 30 tuổi ở phố Vũ Tông Phan nói trên đường Thượng Đình có hai ngõ dẫn ra đường Nguyễn Trãi, dễ dàng lên cầu vượt hướng Tây Sơn để đi làm.
Việc đi tắt giúp Dương tốn hai, ba phút để lên cầu thay vì 10-15 phút nếu theo đúng trục chính từ Thượng Đình rẽ sang Trường Chinh và quay đầu. Ngày mưa, đi theo đường chính này có thể mất đến 30 phút.
Có điều các ngõ để đi tắt này đều hạ barie từ 7h đến 8h30 mỗi sáng, buộc Dương đi làm sớm hơn. “Đường chung mà người dân trong ngõ coi như tài sản riêng, dựng cả barie kiên cố gây khó dễ cho người tham gia giao thông”, Dương nói vẻ bức xúc.
Khảo sát của VnExpress tại lối vào các ngõ 105, 127 đường Nguyễn Trãi, ngõ 58, 94, 126 và 144 đường Thượng Đình, phường Thượng Đình đều dựng các barie cao khoảng 50 cm trước lối vào kèm theo dòng chữ “Đ’7g – M’8g30” (đóng 7h – mở 8h30). Những barie này khiến các xe lưu thông buộc phải quay đầu tìm lối đi khác.
Theo người dân, các ngõ trên có lượng phương tiện lưu thông lớn vào giờ cao điểm liên quan đến việc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phân luồng lại hướng các phương tiện qua Ngã Tư Sở. Theo đó, xe từ Thượng Đình muốn sang Tây Sơn phải ra đường Nguyễn Trãi, rẽ phải vào Trường Chinh rồi quay đầu.
Để giảm quãng đường di chuyển và tránh tắc, nhiều người chọn đi xe máy từ phố Kim Giang, Thượng Đình di chuyển qua các ngõ trên (đặc biệt là ngõ 126 và 144 Thượng Đình) để đi tắt ra đường Nguyễn Trãi.
Bà Phan Thanh sống trong ngõ 126 Thượng Đình cho biết barie dựng đầu ngõ được sự đồng thuận của tất cả người dân. Nguyên nhân là nhiều xe máy đi lối tắt sang đường Nguyễn Trãi với vận tốc nhanh, bấm còi gây nguy hiểm cho người dân trong ngõ. Giờ cao điểm từng đoàn xe nối đuôi nhau vào con ngõ dài 200 m, rộng chưa đến một mét gây ùn tắc nhiều giờ.
Bà Thanh nói may mắn chưa bị tai nạn nhưng nhiều hàng xóm từng bị xe máy va quệt trong lúc đi bộ bởi ngõ nhiều khúc cua, khuất tầm nhìn. Không ít người trẻ bị trễ học, muộn giờ làm bởi không thể lùi xe ra ngoài ngõ do đông phương tiện qua lại.
Barie dựng lên ở đầu ngõ đầu năm 2022 cũng là lúc bà Thanh và nhiều người dân trong ngõ bị người đi đường phản đối, có lời lẽ xúc phạm. Nhưng người phụ nữ này cho biết chính các hộ dân cũng bị ảnh hưởng. Họ cũng phải đưa con cháu đi học, đi làm trước 7h sáng nếu muốn qua đường Thượng Đình. Muộn hơn phải đi lối Nguyễn Trãi.
“Người tham gia giao thông bất tiện một thì các hộ tại đây bất tiện 10 nhưng tất cả vì sự an toàn của người dân, chứ chúng tôi không muốn gây khó khăn với bất kỳ ai”, bà Thanh nói.
60 năm sống tại ngõ 126 Thượng Đình, ông Lê Bửu, 78 tuổi và vợ bức xúc khi lượng xe máy vào ngõ tăng đột biến. Không chỉ mất an toàn cho người đi bộ, tình trạng nhức đầu bởi còi xe, tiếng cãi cọ do va chạm, bụi và đường xuống cấp khiến gia đình ông mệt mỏi.
Ngày vài lần ông cùng nhiều người dân trong ngõ phải phun nước xuống đường để giảm bụi.
Mong muốn lớn nhất người đàn ông 78 tuổi là chính quyền sớm tìm ra giải pháp để các xe thuận tiện di chuyển, người dân được sống yên ổn.
Bà Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng tổ dân phố số 8, khu cơ khí 2A, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, nói bắt đầu nhận phản ánh về tình trạng nhiều xe máy đi tắt vào ngõ 126 và 144 từ năm 2021.
Sau nhiều lần họp bàn lấy ý kiến cư dân, đề xuất lên chính quyền địa phương, tổ dân phố quyết định đặt barie ở đầu ngõ từ năm 2022. Kinh phí do người dân tự nguyện đóng góp.
Theo bà Hương, tổ dân phố số 8 có hơn 300 hộ dân, với khoảng 200 hộ sống trong hai ngõ 126 và 144. Việc dựng barie cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân. “Nhưng mọi người vẫn kiên quyết làm, chấp nhận bất tiện để đổi lấy an toàn, giảm được một phần các phương tiện di chuyển vào giờ cao điểm”, bà Hương nói.
Sau hai năm làm rào chắn, bà Hương cho biết đã có bốn lần barie bị người lạ mặt phá hoại.
Hình ảnh chụp các ngõ hạ barie vào giờ cao điểm ở Thượng Đình chia sẻ trên mạng xã hội nhận hàng chục nghìn bình luận. Một bên cho rằng dựng rào chắn ở đầu ngõ là sai quy định bởi đường là lối đi công cộng, không thuộc sở hữu của ai. Số còn lại đồng cảm với những bất tiện của những hộ dân.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông, cho biết ngõ (hẻm) là làn đường, lối đi chung nhỏ và hẹp trong khu dân cư. Việc người dân dựng rào chắn, cấm xe ô tô, xe máy để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm có thể hiểu được. Nhưng việc làm này có một số vấn đề về pháp lý.
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường. Như vậy, việc người dân dựng rào chắn, barie hay công trình khác trên đường nhằm cấm, hạn chế phương tiện giao thông cần được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông tại địa phương. Hành vi thực hiện mà không xin phép, gây mất trật tự, an toàn giao thông là vi phạm pháp luật.
Ông Trần Phan Mỹ, Phó chủ tịch phường Thượng Đình, cho biết việc người dân làm barie trước các ngõ là không đúng quy định của pháp luật.
Trước năm 2022, chính quyền đã cắt cử các lực lượng tự quản, công an phường ra điều phối, phân luồng, hướng dẫn các lối đi phù hợp nhưng xảy ra tình trạng người đi đường cố tình vi phạm.
Đại diện các khu dân cư báo cáo thực trạng dòng xe đi vào các ngõ rộng 0,8-1,1m để sang đường Nguyễn Trãi gây ùn tắc kéo dài; người già và trẻ nhỏ từng bị tai nạn do va quệt; mất trật tự an ninh và ô nhiễm tiếng ồn bởi còi xe.
“Sau khi căn cứ vào tình hình thực tế, thông qua nhiều cuộc họp với các cấp, biên bản cuộc họp của khu dân cư, nghị quyết của chi bộ, người dân quyết định tự đóng tiền làm barie để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm”, ông Mỹ nói.
Tuy nhiên để phù hợp với quy định pháp luật, UBND phường sẽ tiếp tục báo cáo thực trạng lên quận Thanh Xuân để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Quỳnh Nguyễn