Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý II, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6%.
Tín dụng đã có sự bứt phá chỉ trong tháng 6. Theo số liệu ghi nhận cuối tháng 5, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 3,43%. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, có 360.000 tỉ đồng tín dụng được giải ngân, nâng tổng tín dụng lên gần 14,4 triệu tỉ đồng.
Đây là sự bứt phá ấn tượng, đặt thêm kỳ vọng toàn ngành hoàn thiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay. Nhất là khi ngay 2 tháng đầu năm, tín dụng đã ghi nhận tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này khiến dư luận không khỏi đặt các nghi vấn liên quan đến chất lượng tín dụng.
Còn nhớ, tại họp báo tổng kết công tác 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, do những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đến nay nợ xấu có xu hướng tăng, nợ xấu nội bảng ở mức gần 5%. Còn nợ xấu tiềm ẩn, nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC đạt khoảng 6,9%.
Đại diện NHNN cho biết, nợ xấu là câu chuyện của nền kinh tế, chứ không phải do yếu kém của ngành Ngân hàng.
“Để giải quyết nợ xấu, bản thân ngân hàng và khách hàng đều phải có trách nhiệm với khoản nợ. NHNN sẽ có biện pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn” – Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết.
Xét ở phía các ngân hàng, theo báo cáo tài chính đến hết quý II/2024 của 29 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỉ đồng. Con số này tăng khoảng 7,3% so với cuối năm 2023.
Theo chuyên gia Lê Hoài Ân – CFA Founder IFSS và đồng sáng lập WiResearch, phân loại 27 NHTM thành 4 nhóm chính dựa trên quy mô tài sản và tệp khách hàng của ngân hàng, bao gồm nhóm quốc doanh, nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, nhóm chuyên cho vay cá nhân và nhóm khác.
Dù nhóm Big4 ngân hàng vẫn dẫn top đầu về cho vay khách hàng nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp, cho thấy nhóm ngân hàng này khá thận trọng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Ông Ân cho biết, “nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp luôn có mức tăng trưởng tín dụng nổi bật hơn và trở thành động lực chủ yếu cho tín dụng toàn ngành ngân hàng”.
Các ngân hàng cho vay doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như LPBank, HDBank, Techcombank với mức tăng lần lượt là 15,2%, 13,3%, 14,16%.
“Techcombank, dù tỉ trọng cho vay bất động sản vẫn chiếm gần 34% danh mục, nhưng trước bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, ngân hàng đã đa dạng hóa phát triển dư nợ sang các ngành công nghiệp, khoa học công nghệ và xây dựng, giúp duy trì mức tăng trưởng tốt.
HDBank đã mở rộng dư nợ ngành xây dựng với mức tăng trưởng 43,5% so với cuối năm 2023, nhưng động lực chính của ngân hàng đến từ ngành bán buôn và bán lẻ, với tỉ trọng cho vay cao và tăng trưởng gần 28%.
Đối với LPBank, 1/4 danh mục dành cho ngành bán buôn với mức tăng trưởng hơn 25%, trong khi ngành xây dựng, chiếm tỷ trọng gần 15%, cũng cho thấy mức tăng trưởng 15,7% so với cuối năm 2023″ – chuyên gia Lê Hoài Ân và cộng sự nêu.
Đáng chú ý, theo chuyên gia, dù cho vay cá nhân vẫn gặp khó trong năm nay nhưng các ngân hàng ưa cho vay cá nhân như ACB, VPBank, TPBank hết quý II, các ngân hàng này vẫn đạt mức tăng trưởng tín dụng tích cực.
Theo ông Ân, nguyên nhân là do các ngân hàng này chuyển dịch cơ cấu cho vay, mở rộng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, tận dụng cơ hội từ thị trường doanh nghiệp.
Hết quý II, duy nhất ABBank là đơn vị ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm. Số dư cho vay giảm xuống còn hơn 91.000 tỉ đồng, tương ứng giảm 7,2% so với cuối năm trước.
Dòng tín dụng chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn còn xa so với mục tiêu NHNN đưa ra cho cả năm nay.
Đáng nói, hết tháng 7.2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đi lùi, so với cuối năm 2023, tốc độ tăng ở mức 5,66%, tương đương đạt gần 14,33 triệu tỉ đồng.
Nói về nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, NHNN cho biết, đơn vị sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng vào những lĩnh vực trọng tâm, là động lực của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng.