MỹNăm 1947, H-4 Hercules, máy bay lớn nhất từng được chế tạo khi đó và làm bằng gỗ, thực hiện chuyến bay đầu tiên và duy nhất ngoài khơi California.
Năm 1942, Mỹ tham gia vào Thế Chiến II và đối mặt với vấn đề vận chuyển lượng lớn quân lính, vũ khí, nhu yếu phẩm qua Đại Tây Dương đến Anh. Thời điểm đó, hàng trăm tàu của quân Đồng Minh khi đi qua vùng biển này đã bị tàu ngầm Đức đánh chìm.
Để giải quyết, “ông trùm” xây dựng và đóng tàu Henry J. Kaiser đề xuất với chính phủ Mỹ việc chế tạo một loại thủy phi cơ mới lớn hơn bất cứ thứ gì trước đây. Tuy nhiên, một chiếc máy bay có thể chở 68.000 kg, 750 binh sĩ trang bị đầy đủ, hoặc hai xe tăng M4 Sherman nặng 30 tấn qua Đại Tây Dương nghe có vẻ điên rồ.
Để thiết kế và chế tạo một phương tiện đặc biệt như vậy, Kaiser hợp tác với Howard Hughes, người nổi tiếng với những kỳ tích trong ngành hàng không, làm phim và cả cuộc sống lập dị. Tuy nhiên, đây không phải là sự hợp tác dài hạn. Không lâu sau, Hughes và công ty Hughes Aircraft, với sự nhiệt tình đặc trưng, đã tiếp quản toàn bộ dự án còn Kaiser gần như chỉ làm khán giả.
Ngay từ khi bắt đầu, dự án máy bay H-4 Hercules đã rất kỳ lạ. Vì thiếu hụt các vật liệu chiến lược và H-4 Hercules chỉ là dự án ưu tiên thấp, Hughes cùng công ty không được phép sử dụng kim loại để chế tạo máy bay. Thay vào đó, họ phải dùng nhiều gỗ nhất có thể. Điều này mang đến biệt danh Spruce Goose (Ngỗng gỗ vân sam) cho chiếc máy bay, dù thực chất, nó được chế tạo từ gỗ bạch dương.
H-4 Hercules làm từ một loại ván ép Duramold nhiều lớp tiên tiến được tạo hình theo các khuôn đặc biệt và chế tạo bằng cách dán nhiều lớp gỗ bạch dương với keo urea-formaldehyde. Các lớp này được dán kín lại dưới nhiệt độ và áp suất, sau đó xử lý bằng sóng vô tuyến điện tử tần số cao. Công nhân tiếp tục chà nhám mặt ngoài của vật liệu, bọc giấy, tráng lớp phủ, sơn và đánh bóng.
Ngay cả các dầm và xà nặng để tạo khung máy bay cũng làm từ gỗ dán vì không thể tìm thấy loại gỗ đặc phù hợp. Những điều này khiến nhóm dự án phải phát triển các công cụ mới, khuôn mới và loại keo mới.
Một máy bay lớn gấp ba lần bất cứ thứ gì trước đây đòi hỏi nhiều ý tưởng sáng tạo và Howard Hughes khuyến khích điều đó. Khác với nhiều doanh nhân công nghệ, Hughes quan tâm đến mọi khía cạnh của thiết kế và chế tạo, thậm chí từng tự mình bay hàng trăm giờ trên một chiếc thủy phi cơ được sửa đổi đặc biệt để thử nghiệm ý tưởng thiết kế mới. Ông cũng quan tâm đến cả động cơ và bảng điều khiển, dành nhiều giờ để đặt từng thiết bị vào đúng vị trí mà ông muốn, bất chấp ý kiến của thợ điện về việc đi dây.
“Hercules là một dự án vĩ đại. Đó là máy bay lớn nhất từng được chế tạo. Nó cao hơn 5 tầng với sải cánh dài hơn sân bóng, dài hơn một khối nhà”, Hughes nói.
Quá trình chế tạo H-4 Hercules bị kéo dài, một phần do sự cầu toàn của Hughes. Thế chiến II kết thúc trước khi chiếc máy bay hoàn thành. Đến năm 1947, chính phủ Mỹ đã chi 22 triệu USD để chế tạo máy bay, Hughes tự bỏ ra 18 triệu USD.
Ngày 2/11/1947, H-4 Hercules hạ thủy ở vùng nước ngoài khơi Long Beach, bang California. Với bề mặt bóng mịn trông không giống gỗ, máy bay dài 66,65 m, có sải cánh 97,51 m và cao 24,18 m, trọng lượng không tải 113.398 kg.
Dọc theo đôi cánh khổng lồ là 8 động cơ Pratt & Whitney R-4360 Wasp Major 28 xi-lanh làm mát bằng không khí, mỗi động cơ tạo ra 3.000 mã lực (2.200 kW) để quay các cánh quạt 4 cánh. Máy bay lớn đến mức kỹ sư có thể đi bộ bên trong cánh và bảo dưỡng động cơ trong khi bay. Các bề mặt điều khiển lớn đến mức cần một hệ thống thủy lực thiết kế riêng để phi công điều khiển được chúng. Thậm chí có một hệ thống dây điện cao thế mới giúp dây điện trở nên mỏng nhẹ hơn để giảm trọng lượng.
Hughes ngồi vào ghế phi công trong khi một số phóng viên cũng có mặt trên máy bay. Hughes hiểu rõ về máy bay hơn bất kỳ ai và là người có kinh nghiệm nhất trong việc điều khiển nó. Phóng viên được thông báo rằng đây chỉ là thử nghiệm chạy trên mặt nước và chuyến bay đầu tiên vẫn ở tương lai.
Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Sau vài thao tác chạy trên mặt nước, Hughes đột nhiên mở ga, đạt tốc độ 129 km/h và chiếc thủy phi cơ khổng lồ bay lên không trung, đạt tốc độ tối đa 217 km/h, bay 1,6 km trong 26 giây. Độ cao tối đa của chuyến bay là 21 m. Hành trình ngắn ngủi gây chú ý lớn và chứng minh rằng cỗ máy khổng lồ này hoàn toàn có thể cất cánh.
Năm 1948, sau chuyến bay đầu tiên và duy nhất của H-4 Hercules, Hughes chi 1,75 triệu USD để xây một nhà kho kiểm soát độ ẩm chỉ để bảo quản H-4 Hercules. Ở đó, máy bay nằm dưới sự canh giữ 24 giờ của một đội ngũ gồm 300 nhân viên (giảm xuống còn 50 người vào năm 1962). Đội ngũ này chịu trách nhiệm đảm bảo máy bay luôn trong tình trạng bay được, thậm chí khởi động động cơ mỗi tuần một lần cho đến khi một thiết bị quay đặc biệt được phát minh. Trải qua lũ lụt, động đất và sụt lún, máy bay vẫn được chăm sóc với chi phí 1 triệu USD mỗi năm cho đến khi Hughes qua đời năm 1976.
Tranh chấp pháp lý diễn ra nhiều năm sau đó vì Hughes không để lại di chúc và cuộc tranh cãi về việc ai sở hữu H-4 Hercules nổ ra. Sau nhiều cuộc thảo luận, chiếc máy bay hiện vẫn nguyên vẹn và được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Evergreen ở McMinnville, bang Oregon.
Thu Thảo (Theo New Atlas)