Công nhân muốn tăng ca
Chị Trần Thị C (công nhân một doanh nghiệp điện tử ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thời gian gần đây, công ty nơi chị làm việc tăng ca khoảng 3-4 ngày/tuần, mỗi ngày tăng ca 3 giờ. “Với số giờ tăng ca như vậy, tổng thu nhập của tôi được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Còn nếu không có làm thêm, con số này giảm xuống còn khoảng 5,5-6 triệu đồng/tháng” – chị C cho hay.
Chị C chia sẻ, như nhiều công nhân khác, chị luôn mong muốn được đi làm thêm để có thêm tiền trang trải cuộc sống. “Nếu không làm thêm, chỉ được nhận lương cơ bản và một số khoản phụ cấp thì thu nhập của tôi rất thấp, trong khi nhu cầu trang trải rất lớn. Tôi phải gửi tiền nuôi 2 con ăn học ở quê, ngoài ra còn phải trả tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt…” – chị C chia sẻ.
Những tháng gần Tết là những ngày chị C bận rộn nhất, bởi công ty tổ chức tăng ca tất cả các ngày trong tuần, trừ Chủ nhật. Tổng thu nhập của chị trong tháng này được 9-10 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, chủ tịch CĐCS một công ty của tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tại việc làm trong công ty ổn định, không tổ chức làm thêm nhiều. “Nếu công ty nào không tăng ca thì sẽ gặp khó trong tuyển dụng lao động” – nữ chủ tịch CĐCS cho biết.
Hiện nay, NLĐ trong công ty này có mức lương cơ bản là 5 triệu đồng; các khoản phụ cấp (gồm xăng xe, phòng trọ, đi lại, đời sống…) khoảng 1 triệu đồng. Như vậy, nếu không tăng ca, thu nhập thực nhận của họ chỉ được khoảng 5 triệu đồng (sau khi đã trừ đi các khoản đóng như bảo hiểm xã hội).
Ngoài ra, khi tăng ca, NLĐ còn được thêm một bữa ăn ở công ty; trời nắng được ở trong không khí có điều hòa nhiệt độ… “Vì vậy, nhiều NLĐ mong muốn được tăng ca. Làm từ 8 giờ đến 20 giờ, tức tăng ca 3 giờ/ngày thì họ có thể làm được” – theo cán bộ công đoàn này.
Đảm bảo lương đủ sống cho người lao động
Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) – cho biết, pháp luật Việt Nam khi xây dựng thời gian làm thêm giờ tối đa đã đánh giá, cân nhắc về sức khỏe, khả năng làm việc, năng suất lao động. Do vậy, cần tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm thêm.
“Nếu doanh nghiệp có thêm việc thì nên tuyển thêm NLĐ để tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều lao động khác. Nhiều NLĐ vẫn cần việc làm, không nên bắt buộc một nhóm NLĐ làm thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động” – bà Lan bình luận.
Theo bà Lan, lương đủ sống phải được đảm bảo trong giờ làm việc tiêu chuẩn (8 giờ/ngày) chứ không phải làm thêm giờ để có lương đủ sống. “Tăng lương cơ bản và đảm bảo giờ làm việc chứ không phải tăng lương và tăng giờ làm việc. Khi có lương đủ sống, đảm bảo cuộc sống thì NLĐ sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Họ có thể lựa chọn làm thêm để tích lũy cho con cái; hoặc không làm thêm nữa để có thời gian, điều kiện chăm sóc cho gia đình hay làm các công việc khác mà họ yêu thích hơn” – bà Lan cho biết và nói thêm, đảm bảo lương đủ sống còn giúp thị trường lao động vận hành đúng hơn, NLĐ làm đúng nghề nghiệp và phát huy tốt hơn cho nền kinh tế.
* Theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này (quy định người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp theo quy định).