Trong lần tái bản này, cuốn sách “Người cập rằng hầm xay lúa” được bổ sung phụ lục, là lời kể của các cựu tù Côn Đảo về Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng) và một số cột mốc tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Cuốn sách “Người cập rằng hầm xay lúa” được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết vào năm 1959 và sửa lại năm 1976. Minh họa của họa sĩ Mai Long cho tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1978.
Với việc tái bản lần này, nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn độc giả, nhất là bạn đọc trẻ hiểu thêm về một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác Tôn, giai đoạn đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo (1930 – 1945).
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp biến nhà tù Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” hòng đàn áp những người Việt Nam yêu nước. Thế nhưng, nơi đây lại trở thành “Trường học Cộng sản” – nơi tôi luyện phẩm chất, ý chí của nhiều thế hệ chiến sĩ Cách mạng.
Tại hầm xay lúa tối tăm của nhà tù Côn Đảo, có một người chiến sĩ cộng sản, không khuất phục trước đòn roi tra tấn của cai ngục Pháp. Dù bị giao làm “cập rằng” (tù nhân quản lý tù nhân khác) – một vị trí hiểm nguy không khác gì “đi vào chỗ chết” bởi “họ bị anh em oán thù”, nhưng trong hoàn cảnh đó, người cập rằng ấy với lòng nhân hậu đã cảm hóa những tù nhân khác.
Người ấy chính là đồng chí Tôn Đức Thắng. Ông là tấm gương sáng về đức hy sinh, thương yêu những người cùng cảnh ngộ. Dù bị kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn để bức hại, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng vẫn hiên ngang đối mặt và khéo léo vượt qua. Đối mặt với những kẻ côn đồ, lưu manh, Bác Tôn kiên trì cảm hóa, giác ngộ họ.
Tác giả cũng khắc họa thành công hình tượng Bác Tôn đầy nhân hậu, luôn bênh vực người yếu, dũng cảm chống lại bất công, trừng trị kẻ ác.
Với ngòi bút tả thực sắc sảo, lối dẫn chuyện lôi cuốn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, cùng những tranh minh họa sống động đầy cảm xúc của họa sĩ Mai Long, chỉ trong một dung lượng ngắn, “Người cập rằng hầm xay lúa” sẽ giúp độc giả hình dung rõ nét hơn chân dung người chiến sĩ cộng sản bất khuất và đầy nhân hậu.