Sự kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh
Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý thời đại “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Với ý nghĩa đặc biệt đó, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam và được công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”. Điều đó đã cho thấy sự bao dung, nhân ái, suốt đời dành tình thương yêu trọn vẹn đối với mọi tầng lớp nhân dân và toàn thể nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Và điều này càng được thể hiện rõ qua Di chúc của Người, trước khi từ biệt thế giới, đi vào cõi vĩnh hằng, “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị Cách mạng đàn anh khác”.
Theo PGS.TS. Đào Duy Quát – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), dù đã trải qua nhiều lần từ khi khởi thảo tháng 5.1965 – tháng 5.1969, song Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung chính đề cập tới việc chung và việc riêng.
Ở phần việc chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định và dặn dò: “Trước hết nói về Đảng”; “Đoàn viên và thanh niên”; “Nhân dân lao động”; “Cuộc kháng chiến chống Mỹ”; “Về phong trào cộng sản thế giới”.
Ở phần việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nỗi niềm “tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, dặn dò không được “điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Nhiều thông điệp được chuyển tải trong các nội dung này, trong đó có thể khái quát thành những điểm căn bản rất tương thích với các chuẩn giá trị đương đại mà cộng đồng thế giới hướng đến.
Bao trùm trong Di chúc của Bác Hồ đó chính là “Đảng và dân”. Những dòng đầu tiên trong nội dung Di chúc, Bác viết “Trước hết nói về Đảng”. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và cho đến khi sắp đi xa mãi mãi, Người vẫn lo cho đất nước, cho nhân dân, cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta.
Trong Di chúc, khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” song Bác Hồ căn dặn”: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức Cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
“Những căn dặn của Bác cho thấy việc xác lập nguyên tắc, tiêu chí mang tính chuẩn mực đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong mối quan hệ với nhân dân. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh nguồn gốc từ nhân dân mà ra của các tổ chức và cá nhân thực thi quyền lực công, khẳng định vị trí, vai trò của họ là lãnh đạo, quản lý và mục tiêu của nền công vụ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Và trong tư tưởng của Người, đạo đức là cái gốc của người thực thi công vụ, là tiêu chuẩn phải có trước tiên, phải được đảm bảo giữ gìn, củng cố trong mọi quá trình sống và làm việc của người thực thi công vụ. Điều đó cho chúng ta thấy sự sâu sắc trong tư tưởng của Bác với đảng cầm quyền, với nhân dân” – PGS.TS Đào Duy Quát phân tích.
Hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
TS Lê Trung Kiên – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) – cho hay, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm vô giá, trở thành “Bảo vật quốc gia” đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
Trong Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng và định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau khi thống nhất, đặc biệt là những vấn đề cốt yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Di chúc của Bác viết: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” nhưng Bác cũng căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”…
Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ Cách mạng, vấn đề con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và khoa học. Người thấy rõ tầm quan trọng của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau đối với sự phát triển vững mạnh của Đảng và đất nước. Người nêu rõ: “Đảng phải chăm lo giáo dục, đào tạo họ trở thành những chủ nhân của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên””.
Trong phần viết về “Nhân dân lao động”, Di chúc viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Bác Hồ đã trọn một đời cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, cho đất nước, cho nhân dân là như vậy.
Di chúc của Bác Hồ cũng chỉ ra con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Bản Di chúc chính là một kế hoạch, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng xã hội mới với những chỉ dẫn về quản lý trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.
“Nhiều phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, học giả nghiên cứu đã khẳng định, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những di sản quan trọng, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc” – TS. Lê Trung Kiên nói.
Ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – cho hay, đã 55 năm trôi qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng lời dạy của Người.
Hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, kiên định con đường Cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Đến nay, 55 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, gần 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như Đại hội XIII đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
“55 năm trôi qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả” – PGS.TS. Vũ Trọng Lâm nói.
Theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới “mong muốn cuối cùng” đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng thế giới”. Đó cũng chính là tầm nhìn, ý chí, khát vọng của toàn dân tộc.