Cuộc chiến pháp lý của Kazakhstan với các công ty dầu khí quốc tế lớn liên quan đến mỏ dầu Kashagan đang căng thẳng hơn, với yêu cầu bồi thường hiện vượt mức 160 tỉ USD, tăng thêm 10 tỉ USD so với các yêu cầu trước đó.
Dự án Kashagan – mỏ dầu ngoài khơi khổng lồ ở Biển Caspi – đã bị trì hoãn và đội vốn kể từ khi bắt đầu triển khai hơn hai thập kỷ trước. Các công ty lớn trong ngành, bao gồm Eni, Shell, ExxonMobil và TotalEnergies có liên quan tới việc phát triển dự án này. Hiện tại, Kazakhstan đang đòi bồi thường cho doanh thu bị mất và những cam kết không được thực hiện.
Gần đây, tòa trọng tài quyết định hợp nhất các vụ việc thành một vụ kiện duy nhất, bác bỏ yêu cầu của các công ty về việc xử lý độc lập. Điều này càng gây thêm sức ép cho các ông lớn dầu khí liên quan.
Mỏ Kashagan, được phát hiện vào cuối những năm 1990, được xem là một trong những mỏ dầu lớn nhất trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, quá trình phát triển mỏ không suôn sẻ.
Những thách thức về mặt kỹ thuật, bao gồm điều kiện môi trường khắc nghiệt và nồng độ hydro sunfua cao, gây khó khăn cho dự án ngay từ đầu.
Nồng độ hydro sunfua trực tiếp từ giếng dầu được ước tính là 17% – tức chỉ cần hít thở vài hơi cũng có thể dẫn tới tử vong.
Ngân sách ban đầu cho dự án là 10 tỉ USD nhưng sau đó nhanh chóng tăng vọt lên 55 tỉ USD. Mỏ này bắt đầu sản xuất vào năm 2013 – chậm 8 năm so với kế hoạch.
Tuy nhiên, ngay cả khi đi vào vận hành, dự án tiếp tục đối mặt với những trở ngại mới. Chỉ một tháng sau khi bơm dầu lần đầu, một đường ống bị rò rỉ dẫn tới dự án đóng cửa. Các hoạt động sau đó được nối lại năm 2016.
Mỏ Kashagan đã sản xuất trung bình 400.000 thùng dầu mỗi ngày vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh từng được dự kiến là 1,5 triệu thùng mỗi ngày.