11 năm bị bạo hành về cảm xúc lẫn thể xác đã khiến Rani Miranti, 38 tuổi, đến với môn võ Muay Thai ở Jakarta.
“Cơ quan chức năng hay chính quyền thường chỉ đến sau khi bạo lực xảy ra trong khi tôi không biết nó sẽ ập đến lúc nào”, mẹ đơn thân của ba đứa trẻ nói. “Không ai giúp đỡ tôi khi cần và tôi buộc phải có khả năng tự vệ”.
Mani Miranti ly hôn năm 2018 và theo học Muay Thai từ đó. Nữ giáo viên tiểu học nói bộ môn tổng hợp các đòn đánh bằng gối và khuỷu tay, giúp cô có thêm kỹ năng phòng thủ. “Giờ đây tôi đã có kỹ năng phản kháng lại bạo lực”, cô nói.
Những phụ nữ tìm đến các lớp học tự vệ như Miranti không hiếm ở Indonesia, nơi bạo lực nhằm vào nữ giới vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Ủy ban quốc gia về bạo lực đối với Phụ nữ đã thống kê 289.111 trường hợp trong năm ngoái. Quốc hội Indonesia đã thông qua quy định hình phạt cho bạo lực tình dục, đảm bảo bồi thường hoặc các biện pháp khắc phục khác cho nạn nhân.
Tuy nhiên, ủy ban cho rằng dữ liệu mới nhất chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trường hợp bạo hành không được báo cáo còn nhiều bởi các yếu tố như khả năng tiếp cận dịch vụ khiếu nại hạn chế, hệ thống tài liệu vụ án yếu kém và mức độ kỳ thị xã hội với nạn nhân.
Do đó, ngày càng nhiều phụ nữ ở Indonesia đã tìm đến lớp học và câu lạc bộ võ tự vệ để bảo vệ bản thân.
Rahimatul Hasanah, huấn luyện viên Muay Thai, nói nhu cầu này khiến cô cảm thấy quá tải. Nhiều người không thoải mái ở lớp chung nên đã thuê huấn luyện viên tại nhà. Hầu hết phụ nữ tham gia đều khá nhút nhát, một số người đã bị lạm dụng trong quá khứ. Họ cần xây dựng sự tự tin và sự phòng thủ tinh thần.
Rizal Zulmi, võ sĩ MMA chuyên nghiệp, cho rằng xu hướng này đã chứng minh cho những kẻ bạo hành rằng phụ nữ ngày nay không dễ dàng trở thành “con mồi” nữa.
Rangi Wirantika Sudrajat, 31 tuổi, là bác sĩ đa khoa đã tham gia lớp MMA nhằm để cải thiện thể chất và tinh thần. “Tôi có thể giải tỏa tất cả cảm xúc tức giận, buồn bã của mình theo cách lành mạnh”, cô nói.
Andy Yentriyani, người đứng đầu Ủy ban quốc gia về bạo lực đối với Phụ nữ ông hoan nghênh động thái này. “Nhiều nạn nhân quá sốc và không thể phản ứng với những gì đã xảy ra với họ”, Yentriyani nói.
Các loại bạo lực thường xảy ra trong không gian riêng tư như hiếp dâm, cưỡng bức phá thai. Phần lớn nạn nhân ở độ tuổi 18-24, thủ phạm thường là bạn trai và chồng của họ.
Nạn nhân thường trẻ và có trình độ học vấn thấp hơn so với những kẻ phạm tội, cho thấy bạo lực đối thường liên quan đến sự mất cân bằng quyền lực.
“Nhiều người vẫn xem bạo lực tình dục là điều đáng xấu hổ, làm nhục nạn nhân nữ nên gia đình quyết định không trình báo”, Yentriyani nói.
Ngọc Ngân (Theo ABC News)