Phụ huynh đưa con tiêm vaccine sởi trước tuổi vì sợ dịch

Nhiều gia đình đưa con đến trung tâm VNVC tiêm vaccine sởi sớm hơn lịch hẹn hoặc khi bé chưa đủ 9 tháng tuổi, do lo ngại bệnh sởi lây lan mạnh.

Gia đình anh Quang Hải (32 tuổi, quận Bình Tân), đến VNVC ngày 17/8 để tiêm vaccine cho con trai 6 tháng tuổi, sau khi Sở Y tế TP HCM đề xuất công bố dịch sởi. Anh giải thích bé thường ho, sốt, khò khè, sức khỏe kém, phải nhập bệnh viện điều trị viêm phổi và viêm phế quản hai lần từ đầu năm đến nay. Khu vực gia đình sinh sống cũng có nhiều trẻ mắc sởi đã nhập viện.

Vì vậy, gia đình muốn con tiêm chủng sớm, tránh lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vaccine chỉ sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, do đó bác sĩ gợi ý tiêm chủng cho các thành viên khác của gia đình, để bảo vệ bé trong thời gian chờ đủ tuổi tiêm chủng.

Còn gia đình chị Thanh Tâm (Hóc Môn, TP HCM) xin nghỉ làm trong đêm để đưa con gái 4 tuổi đi tiêm vaccine hôm 15/8. Chị Tâm cho biết con gái từng mắc thủy đậu một năm trước, khi chưa kịp tiêm chủng, phải nhập viện do viêm phổi. Kể từ đó, bé thường ho, sổ mũi mỗi khi thay đổi thời tiết. Cứ đến đầu năm học, bé sẽ có một đợt ốm, phải nghỉ vài ngày.

Vợ chồng chị rút kinh nghiệm, muốn cho con tiêm mũi hai sởi – quai bị – rubella sớm hơn dù chưa đến lịch hẹn (tháng 9/2024). Bé được chỉ định tiêm do vẫn đảm bảo an toàn và miễn dịch phòng bệnh.

VNVC quận 12 ghi nhận nhiều phụ huynh tiêm vaccine ngừa sởi - quai bị - rubella cho con trước lịch hẹn sáng 15/8. Ảnh: Hoàng Thọ

VNVC quận 12 ghi nhận nhiều phụ huynh tiêm vaccine ngừa sởi – quai bị – rubella cho con trước lịch hẹn sáng 15/8. Ảnh: Hoàng Thọ

Toàn hệ thống tiêm chủng VNVC gần 200 trung tâm, ghi nhận lượt tiêm vaccine sởi tăng cao đột biến so với cùng kỳ tháng trước. Điển hình khu vực TP HCM, số lượng đăng ký tiêm chủng tăng gấp đôi so với bình thường vào 13-15/8. Tỷ lệ tăng chủ yếu ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng sởi.

Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, lượng tiêm chủng tăng cao ở quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh – các địa phương đang có số ca mắc sởi cao. Hàng trăm người dân có nhu cầu tiêm sớm hơn lịch hẹn và cho con tiêm vaccine trước 9 tháng tuổi.

Bác sĩ Phong đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy người dân rất quan tâm phòng bệnh sởi cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, nhiều người còn thiếu kiến thức về vaccine, chưa hiểu rõ vaccine có lộ trình tiêm chủng, liều lượng… rất khoa học cần tuân thủ.

“Phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan có dịch bệnh mới đổ xô đưa con em đi tiêm vaccine”, bác sĩ Phong nói.

Việt Nam hiện có ba loại vaccine sởi, gồm: mũi đơn MVVac (Việt Nam), mũi phối hợp sởi – rubella MRVAC (Việt Nam), mũi phối hợp phòng sởi – quai bị – rubella MMR II (Mỹ) và Priorix (Bỉ). Tiêm đủ vaccine giúp phòng bệnh sởi đến 98%, miễn dịch bền vững.

Về phác đồ, thông thường, trẻ sẽ tiêm mũi một vaccine sởi đơn khi tròn 9 tháng, mũi hai vaccine phối hợp sởi – quai bị – rubella khi 12 tháng và mũi bổ sung khi 4-6 tuổi. Trẻ từ 7 tuổi và người lớn tiêm hai mũi cách tối thiểu một tháng.

Tuy nhiên, phác đồ thay đổi căn cứ theo độ tuổi và lịch sử tiêm, tình hình dịch bệnh. Đối với trẻ chưa tiêm vaccine sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, bác sĩ khuyến cáo tiêm 2 mũi vaccine phối hợp sởi – quai bị – rubella cách nhau 1 tháng.

Trẻ dưới 9 tháng, chưa đủ tuổi tiêm phòng, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện, theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, MVVac (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) khi có dịch có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng. Khi 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Gia đình cùng chờ tiêm chủng tại VNVC. Ảnh: Phương Hoa

Gia đình cùng chờ tiêm chủng tại VNVC. Ảnh: Phương Hoa

Bác sĩ Phong lưu ý tiêm chủng giúp phòng sởi hiệu quả, tuy nhiên gia đình cần kết hợp thêm nhiều biện pháp khác như: không tiếp xúc với người bị bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi; tránh nơi tập trung đông người. Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng dinh dưỡng đầy đủ hoặc tăng bú sữa mẹ đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Để phòng sởi cho em bé mới chào đời, phụ nữ nên hoàn thành phác đồ chủng ngừa trước mang thai 3 tháng để bảo vệ mẹ và truyền kháng thể thụ động cho con.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng: sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể lây lan thành dịch, biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng…

Sởi phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ. Ở nhóm sơ sinh, trẻ dễ nhiễm bệnh khi không có kháng thể từ mẹ truyền sang, phần lớn do không tiêm phòng trước mang thai.

Hồi tháng 6, Viện Pasteur TP HCM ghi nhận số ca sởi, ho gà có dấu hiệu tăng tại miền Nam do nhiều trẻ chưa có miễn dịch với bệnh. Đến ngày 12/8, Sở Y tế TP HCM đề xuất công bố dịch sởi do ghi nhận hàng trăm ca sốt phát ban nghi sởi và dương tính, ba ca tử vong ở trẻ em. Trong khi đó, tỷ lệ chủng ngừa sởi hai mũi chưa đạt 95% – mức cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng với sởi.

Mộc Thảo


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *