Phòng trọ siêu nhỏ tăng giá

Hà NộiSau khi giá phòng trọ tăng 50%, Huy rủ bạn về ở cùng, chia sẻ không gian chưa đến 6 m2 nằm sâu trong phố Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy.

Huy quê Sơn La, hiện làm xe ôm, anh thuê căn phòng này hơn một năm nay. Anh kể, năm ngoái, giá phòng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng nên Huy có thể chi trả một mình. Đầu năm nay, chủ nhà trang bị thêm một số thiết bị phòng cháy chữa cháy nên tăng giá phòng lên 2 triệu đồng, chưa gồm phí dịch vụ, điện nước khoảng 400.000 đồng mỗi người.

Huy nói, nhiều người trong nhà trọ đã chuyển đi sau khi chủ tăng giá. Còn anh tìm cách khác là rủ bạn về ở cùng để chia tiền phòng. Huy cho biết thu nhập mấy tháng nay sụt giảm, tiền nhà tăng hơn 50% trở thành gánh nặng lớn. Trong khi nam thanh niên chạy xe ôm từ sáng đến đêm, “chỉ cần một chỗ ngủ”. Vị trí khu trọ ở trung tâm, thuận tiện sinh hoạt nên không muốn chuyển đi.

Hai thanh niên “chen chúc trong căn phòng được chia vách thành hộp diêm”, Huy nói đành phải chấp nhận để giá thuê rẻ hơn, còn khoảng 1,4 triệu đồng một người.

Phòng trọ được chia vách thành từng buồng nhỏ chưa đến 6 m2, cho thuê 2 triệu đồng một tháng ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Ngọc Diễm

Phòng trọ được chia vách thành từng buồng nhỏ chưa đến 6 m2, cho thuê 2 triệu đồng một tháng ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Ngọc Diễm

Tương tự, Ngọc Tâm, sinh viên năm nhất, vừa đăng bài sang nhượng phòng trọ rộng chưa đến 5 m2 nằm sâu trong đường Chính Kinh, quận Thanh Xuân. Phòng của Tâm có cửa sổ nhưng hẹp nhất so với 4 phòng khác cùng tầng (rộng 8 m2). Trong không gian chỉ có 5 m2, chủ nhà vẫn bố trí được bàn, tủ lạnh, tủ quần áo, giường pallet, còn khu bếp và nhà vệ sinh dùng chung với cả tầng.

Vừa nhập học năm ngoái, Tâm thuê căn phòng này với giá 1,6 triệu đồng, chưa gồm điện nước. Hết hợp đồng một năm, chủ nhà muốn tăng giá thuê lên 1,9 triệu đồng, điện từ 3.800 đồng lên 4.000 đồng một số. “Tính thêm điện nước, mỗi tháng thành ra mất 2,4 triệu đồng. Với số tiền này em chuyển ra ở ghép cùng bạn sẽ được phòng rộng gấp ba”, Tâm nói.

Phòng trọ rộng khoảng 4 m2 nằm sâu trong ngõ đường Chính Kinh, quận Thanh Xuân. Ảnh: NVCC

Phòng trọ rộng khoảng 5 m2 nằm sâu trong ngõ đường Chính Kinh, quận Thanh Xuân. Ảnh: NVCC

Theo ghi nhận của VnExpress, 7 tháng đầu năm nay, loại hình phòng trọ siêu nhỏ (dưới 10 m2) vốn là phân khúc cho thuê rẻ nhất cũng tăng giá 15-20% so với năm ngoái. Một số tòa được trang bị thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy thậm chí tăng 30-50% so với năm trước.

Giá thuê phòng trọ siêu nhỏ có biên độ tăng mạnh nhất trong các phân khúc cho thuê, gấp 1,5-2 lần so với chung cư mini và căn hộ dự án. Từ đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà cũng tăng giá cho thuê căn hộ chung cư mini, dao động 10-15% so với năm ngoái, tập trung ở quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… Với phân khúc căn hộ, giá cho thuê tăng khoảng 7-8% trong nửa đầu năm nay, theo Batdongsan.

Đà tăng giá thuê phòng trọ siêu nhỏ gấp 2-3 lần tăng trưởng thu nhập của người dân lao động. Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,5 triệu đồng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức độ tăng giá thuê có chênh lệch giữa các loại phòng trọ nhỏ. Trong đó, khu vực các quận trung tâm tăng giá mạnh nhất, gồm nhà riêng lẻ nhiều phòng rộng 20-25 m2, chia vách ngăn thành nhiều buồng, hộp ngủ rộng 4-5 m2 hoặc nhà xây mới, chia sẵn nhiều phòng siêu nhỏ để kinh doanh cho thuê. Điểm chung của hai loại phòng trọ này là nằm sâu trong ngõ, giá thuê 1,8-2 triệu đồng một phòng, tăng hơn 30% so với đầu năm 2023.

Một kiểu phòng trọ siêu nhỏ phổ biến ở vùng ven xa trung tâm là những dãy trọ công nhân giá rẻ, dao động 500.000-800.000 đồng một tháng. Đây là những khu trọ đã hoạt động chục năm, thiết kế cũ nên diện tích thường dao động 8-10 m2. Vị trí nằm sâu trong ngõ tại các xã, thị trấn gần khu công nghiệp. Vì hoạt động hơn chục năm, hiện trạng xuống cấp nên giá thuê ít tăng mạnh như khu vực nội đô, chỉ nhích khoảng 50.000-100.000 đồng một phòng một tháng.

Một khu nhà trọ có 8 phòng, cho thuê 500.000 đồng một tháng ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Ngọc Diễm

Một khu nhà trọ có 8 phòng, cho thuê 500.000 đồng một tháng ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Ngọc Diễm

Ông Lai, 60 tuổi, chủ một dãy nhà trọ 8 phòng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, mới tăng giá thuê lên 500.000 đồng một phòng. Trước đây ông giữ giá thuê 450.000 đồng mỗi phòng trong nhiều năm. Gần đây, theo lời ông, “vật giá leo thang nhanh nên khó giữ được giá như vài năm trước”.

Theo ông Lai, khác với nội thành, những khu trọ xung quanh khu công nghiệp Thăng Long thường hoạt động hơn chục năm, đối tượng đa số là công nhân thu nhập thấp nên “tăng giá nhiều quá họ sẽ trả phòng ngay”. Giá cho thuê rẻ nên ông Lai không sơn sửa, cải tạo khu trọ nhiều năm.

Chuyên gia tư vấn bất động sản độc lập Lê Quốc Kiên cho biết các loại phòng trọ diện tích dưới 10 m2 phát triển ồ ạt tại Hà Nội và TP HCM từ giai đoạn 2018-2019. Đây là thời kỳ bùng nổ nhu cầu đi thuê nhà nguyên căn rồi cải tạo, cho thuê lẻ. Nhiều đơn vị kinh doanh cho thuê đã tìm cách tăng nguồn thu bằng cách “chẻ nhỏ” đơn vị cho thuê. Ví dụ một phòng diện tích 16 m2 cho thuê được 4 triệu đồng, nếu chia nhỏ thành 4 hộp ngủ với giá 1,6-1,8 triệu đồng một slot, doanh thu có thể tăng gần hai lần.

Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá thuê những phòng trọ kiểu này leo thang, theo ông Kiên, do ảnh hưởng của đà tăng giá của phân khúc nhà riêng lẻ trong ngõ. Cùng đó, sau nhiều sự cố cháy nổ ở khu nhà trọ, chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều chủ nhà đã tăng cường đầu tư thiết bị phòng cháy chữa cháy và chi phí này tính vào giá cho thuê để bù đắp. Điều này khiến giá phòng trọ có xu hướng tăng nhanh từ cuối năm ngoái.

Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh Batdongsan, cho biết nhu cầu với loại hình này vẫn ở mức cao, đến từ một nhóm có thu nhập trung bình thấp hoặc yêu cầu về chỗ ở không cao, chỉ cần một chỗ ngủ vào buổi tối. Trong khi giá nhà nội đô ngày càng đắt đỏ, chủ nhà sẽ tận dụng tối đa không gian sẵn có để cho thuê được nhiều người.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc chia nhỏ căn nhà thành các chỗ ngủ nhỏ hẹp khiến mật độ dân cư gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ, an ninh trật tự. Một giải pháp hiệu quả, theo ông Đinh Minh Tuấn, là đẩy mạnh nguồn cung nhà xã hội cho thuê. Bởi công nhân, lao động ngoại tỉnh, sinh viên, hộ gia đình nghèo… cũng là đối tượng nhà ở xã hội hướng đến. Phân khúc này có thể giúp lao động thuê với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh an toàn.

Ngọc Diễm


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *