Bà Tatyana Moskalkova, quan chức nhân quyền hàng đầu của Nga, chỉ trích việc bắt giữ của Pháp là một hành động vi phạm tự do ngôn luận.
Pavel Durov – doanh nhân công nghệ gốc Nga – bị bắt ngay sau khi máy bay riêng của ông hạ cánh tại sân bay Le Bourget, Paris vào ngày 24.8. Trong khi chính quyền Pháp hứa sẽ đưa ra tuyên bố chính thức vào ngày 26.8, truyền thông địa phương cho hay, các công tố viên tin rằng lý do là ông Durov đã không kiểm soát được việc các đối tượng tội phạm lợi dụng nền tảng của ông.
Trên trang Telegram cá nhân, bà Moskalkova lập luận rằng “lý do thực sự đằng sau việc bắt giữ Pavel Durov là nỗ lực để đóng cửa Telegram, nền tảng mà tại đó bạn có thể tìm thấy sự thật về các vấn đề thế giới”.
Bà cho biết thêm, việc bắt giữ ông Durov đã khiến “tất cả những ai ủng hộ tự do ngôn luận và sự hình thành một thế giới đa cực” phẫn nộ.
Moskalkova mô tả, ông Durov là một người đã “tạo ra một công cụ giao tiếp dễ sử dụng, đơn giản và dễ tiếp cận cho mọi người trên khắp thế giới, một kênh truyền thông nhanh chóng lan truyền thông tin mà không bị kiểm duyệt”.
Trong khi đó, Telegram đã phát hành một tuyên bố vào ngày 25.8, khẳng định rằng công ty tuân thủ luật pháp EU và các chính sách kiểm duyệt nội dung.
Họ cho rằng, việc cáo buộc ông Durov chịu trách nhiệm cho việc nền tảng bị sử dụng sai mục đích bởi các đối tượng xấu là “vô lý.”
Đầu năm nay, Telegram đã chỉ định một đại diện pháp lý tại Bỉ để đảm bảo tuân thủ các quy định của EU.
Ông Durov đã từng liên tục từ chối cung cấp dữ liệu người dùng cho chính quyền hoặc cài đặt “cửa sau” giám sát và công khai nói về áp lực mà ông phải đối mặt từ Mỹ.
Ông cũng không ngần ngại bày tỏ sự bất đồng với chính phủ Nga, điều đã góp phần vào quyết định rời khỏi Nga vào thập kỷ 2010 và chuyển đến UAE.
Dù vậy, nhiều chính trị gia Nga đã lên án việc bắt giữ Durov. Một số người cho rằng, động thái này có thể mang động cơ chính trị.
Nhiều nhân vật công chúng ở phương Tây, bao gồm nhà báo Tucker Carlson và doanh nhân Elon Musk, cũng lên tiếng bảo vệ Durov.
Vụ việc này tiếp tục làm dấy lên những tranh luận về quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư trong kỷ nguyên số, đặc biệt là khi các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin toàn cầu.