Bên cạnh hỗ trợ công việc, trí tuệ nhân tạo (AI) bị lạm dụng trong các buổi phỏng vấn xin việc, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ.
Henry Krik, nhà sáng lập công ty phần mềm Studio Init (Mỹ), yêu cầu ứng viên không sử dụng AI khi làm bài kiểm tra đầu vào, nhưng một số người vẫn gian lận. Người phỏng vấn có biểu hiện nhìn lệch màn hình, trả lời chậm hoặc dán nguyên đoạn mã thay vì tự viết.
Krik thừa nhận AI là công cụ không thể thiếu với các doanh nghiệp. Studio Init từng phải lọc tới 400 hồ sơ ứng tuyển – khối lượng khó xử lý nếu thiếu công cụ hỗ trợ.
Tình trạng gian lận khi phỏng vấn tuyển dụng không phải cá biệt. Với sự phổ biến của ChatGPT và các nền tảng AI khác, các bài kiểm tra kỹ thuật truyền thống dần bị xem là lỗi thời, trong khi gian lận ngày càng tinh vi hơn.
Một sinh viên từng theo học Đại học Columbia (Mỹ), Chungin Roy Lee đã phát triển công cụ Interview Coder nhằm vượt qua bài kiểm tra đầu vào của Amazon và đăng video chia sẻ cách làm trên YouTube. Công cụ này được rao bán với giá 600 USD mỗi tháng.
Trước thực trạng đó, Amazon yêu cầu ứng viên không sử dụng AI nếu chưa được phép, còn Google cân nhắc quay lại hình thức phỏng vấn trực tiếp để dễ kiểm soát hơn.
Không ít nhà tuyển dụng cho rằng ChatGPT đã thay đổi cách đánh giá ứng viên. Họ kỳ vọng kỹ sư phần mềm biết tận dụng AI để làm việc hiệu quả, nhưng lại xem việc dùng AI khi phỏng vấn là hành vi gian lận. Ứng viên thì lập luận, nếu công việc đòi hỏi kỹ năng dùng AI, họ nên được thể hiện điều đó trong phỏng vấn.
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng như Krik vẫn ưu tiên đánh giá tư duy gốc và cách tiếp cận vấn đề hơn là khả năng sao chép lời giải. Annie Lux, nhà sáng lập công ty huấn luyện nghề nghiệp Land That Job (Mỹ), cho rằng các bài kiểm tra lập trình giới hạn thời gian vừa thiếu công bằng, vừa không phản ánh đúng năng lực.
“Việc cấm AI trong phỏng vấn nhưng lại yêu cầu dùng trong công việc là một nghịch lý”, bà nói.

Nhiều đơn vị tuyển dụng lo ứng viên dùng AI để gian lận phỏng vấn. Ảnh minh họa: Tim Gouw/Pexels
Một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Bang North Carolina (Mỹ) và Microsoft cũng chỉ ra ứng viên thường giải quyết vấn đề tốt hơn khi không bị giám sát quá chặt. Điều này lý giải vì sao nhiều kỹ sư thể hiện kém trong phòng phỏng vấn nhưng lại làm việc hiệu quả khi được nhận.
Andrej Karpathy, đồng sáng lập OpenAI, gọi cách lập trình thời AI là “vibe coding – chỉ cần nhìn, nói, chạy và sao chép là có thể tạo ra chương trình tạm ổn”. Khi đó, kỹ năng quan trọng là người lao động phải hiểu và chỉnh sửa mã do AI tạo ra.
Don Jernigan, Phó chủ tịch công ty tuyển dụng Experis Service (Mỹ), cho rằng điều cần đánh giá hiện nay là khả năng kết hợp giữa năng lực con người và công cụ hỗ trợ. “Ứng viên giỏi là người biết dùng AI đúng lúc và vẫn làm tốt những gì công nghệ chưa thay thế được”, ông nói.
Krik ví thị trường tuyển dụng thắt chặt đúng thời điểm ChatGPT bùng nổ là “cơn bão hoàn hảo”. Khi số việc giảm mà ứng viên tăng, nhiều người chọn cách gian lận để nổi bật.
Studio Init đã lập danh sách đen gồm hàng chục người bị xác định gian lận và hàng trăm trường hợp bị nghi ngờ. Để giảm rủi ro, công ty tổ chức thêm các buổi kiểm tra trực tiếp tại văn phòng. “Chúng tôi trả lương cao nên phải chọn đúng người, không chỉ để bảo vệ quyền lợi công ty, mà còn để đảm bảo công bằng cho các ứng viên trung thực”, Krik nói.
Thực tế, gian lận trong phỏng vấn kỹ thuật không phải mới. Trước đây, ứng viên từng nhờ người khác làm bài hộ hoặc thậm chí đi phỏng vấn thay. Giờ đây, với AI, việc gian lận trở nên dễ dàng và tinh vi hơn.
Ở chiều ngược lại, nhà tuyển dụng, vốn quá tải bởi số lượng hồ sơ tăng vọt, cũng dùng AI để lọc đơn. Cuộc “đối đầu” giữa hai bên ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, trong khi lòng tin giữa người và người dần mai một.
Tại Fonzi, công ty chuyên về tuyển dụng bằng AI, tỷ lệ ứng viên bị nghi dùng dịch vụ gian lận bên ngoài lên tới 23% trong quý I/2025. CEO Yang Mou cho biết họ sử dụng AI để phân tích ngữ điệu, nhịp ngắt và ngôn ngữ ứng viên nhằm phát hiện bất thường trước khi nhân sự can thiệp.
Công ty phỏng vấn kỹ thuật Karat cũng ghi nhận tỷ lệ gian lận tăng từ 2% lên 10% trong thời gian gần đây. Thay vì cấm đoán, CEO của Karat cho rằng điều cần thay đổi là phương pháp phỏng vấn. “AI là cánh tay của kỹ sư, cấm dùng chẳng khác nào bắt làm việc mà không có tay chân”, ông nói.
Từng trải nghiệm hiệu quả của AI trong công việc, Hadi Chami, Giám đốc kỹ thuật công ty Apryse có trụ sở tại Mỹ, đã điều chỉnh quy trình tuyển dụng. Ứng viên vượt qua vòng sơ loại sẽ làm bài tập có sự hỗ trợ của AI, nhưng phải trình bày toàn bộ quy trình trong buổi phỏng vấn trực tiếp. “Quan trọng là họ hiểu vì sao đoạn mã chạy được, chứ không chỉ là để AI chạy”, Chami nói.
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại nhiều kỹ sư trẻ giỏi lý thuyết nhưng lúng túng khi làm việc thực tế.
Theo Victor Gates, đồng sáng lập công ty Expert Interviews, gốc rễ của khủng hoảng niềm tin hiện nay nằm ở việc công nghệ thay đổi quá nhanh, trong khi quy trình tuyển dụng không theo kịp.
“Thay vì tập trung giám sát, hãy đào tạo nhà tuyển dụng biết cách đặt ra những câu hỏi mà AI không dễ tạo ra”, bà nói.
Minh Phương (Theo Insider)