Nhiều gia đình giàu có chần chừ cho con tiếp quản tài sản hàng triệu USD vì cho rằng “những đứa trẻ Gen Z” không đủ năng lực.
Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank dự báo trong 20 năm tới, thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) và thế hệ Silent (sinh năm 1928-1945) ở Mỹ sẽ chuyển giao gần 90 nghìn tỷ USD tài sản cho con cái.
Khi đó, Gen Y và Gen Z (sinh năm 1981-2012) sẽ trở thành thế hệ giàu nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, cuộc chuyển giao tài sản khổng lồ mở ra thách thức với người kế nghiệp. Việc quản lý khối tài sản lên đến hàng triệu USD hoặc tiếp quản một doanh nghiệp đa quốc gia không đơn giản.
Báo cáo Global Entrepreneurial Weath công bố tháng 9/2023 của Ngân hàng tư nhân toàn cầu HSBC, hơn 1/3 doanh nhân có kế hoạch rút lui khỏi vị trí lãnh đạo trong 5 năm tới. Hơn 50% muốn chuyển giao doanh nghiệp cho các thành viên trong gia đình, nhất là nhóm sở hữu khối tài sản trên 10 triệu USD. Kết quả này dựa vào khảo sát 1.000 doanh nhân sở hữu ít nhất hai triệu USD tài sản tại Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Thụy Sĩ, UAE, Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề kế nghiệp vẫn là thách thức lớn. Nhiều doanh nhân bày tỏ sự lo ngại về việc con cái không đủ năng lực tiếp quản công việc kinh doanh hoặc thiếu trách nhiệm.
Cụ thể, 1/3 số người được khảo sát cho rằng thế hệ sau thiếu động lực làm việc chăm chỉ. Các lý do còn lại bao gồm sự thiếu hứng thú với công việc gia đình, kiến thức và kỹ năng điều hành doanh nghiệp còn yếu kém.
Bên cạnh đó, một số người cũng lo lắng con cái sẽ chọn xây dựng sự nghiệp độc lập để khẳng định bản thân trong lĩnh vực mới.
Russell Prior, giám đốc quản lý tài sản gia đình và cố vấn chiến lược tại Ngân hàng tư nhân toàn cầu HSBC, nhận thấy nhiều người trẻ hứng thú với các mô hình kinh doanh hiện đại trong nền kinh tế số thay vì lĩnh vực truyền thống.
“Điều này khiến nhiều doanh nhân của các thế hệ trước lo lắng”, vị giám đốc nói.
Cũng theo báo cáo của HSBC, 7/10 nhà lãnh đạo nói rằng năng lực kế thừa của thế hệ trẻ là yếu tố quyết định thời điểm họ rút lui khỏi công ty.
Tuy nhiên, ẩn sau những lo ngại về khả năng tiếp quản của thế hệ trẻ còn là nỗi sợ hãi khi phải “buông tay”. Hơn 20% người sở hữu tài sản từ 10 triệu USD thừa nhận chưa có kế hoạch chuyển giao tài sản cho người thừa kế.
Để chuẩn bị tốt cho cuộc chuyển giao, các đơn vị tài chính như HSBC đang tổ chức nhiều buổi gặp mặt để thế hệ đi trước được trao đổi và trang bị kiến thức cho lớp trẻ.
Các buổi gặp mặt tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn về quá trình chuyển giao tài sản. Cha mẹ có thể trò chuyện với con cái về kỳ vọng của họ với việc thừa kế và xem xét liệu đối phương đã sẵn sàng tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình hay chưa.
Thế hệ kế thừa – đa phần là Gen Y và Gen Z – cũng được đào tạo các kỹ năng quản lý tài sản. Họ sẽ được giới thiệu các kiến thức cơ bản về đầu tư, tìm hiểu cơ hội khởi nghiệp và thiện nguyện. Nhóm này cũng có cơ hội kết nối với những người đồng trang lứa đang chuẩn bị tiếp quản khối tài sản kếch xù từ cha mẹ.
Chưa rõ các sự kiện này có giúp giải quyết vấn đề hay không, nhưng theo giám đốc Prior, phớt lờ hay né tránh không phải giải pháp lâu dài.
“Chuyển giao tài sản là điều không thể tránh khi ai đó qua đời nhưng việc chuẩn bị tốt cho điều đó hay không lại là sự lựa chọn”, vị giám đốc ngân hàng nói.
Minh Phương (Theo Fortune, Forbes)