Những người cả đời dùng đồ đi thuê

MỹThu nhập cao từ vị trí giám đốc công ty quan hệ công chúng nhưng Brittany Catucci chọn thuê mọi đồ dùng phục vụ cuộc sống.

Cô gái 27 tuổi ở thành phố Emeryville, bang California, Mỹ có thu nhập cao hơn mức lương trung bình nhưng luôn sử dụng đồ đi thuê thay vì mua mới bởi tiết kiệm chi phí và không phải thuê dịch vụ vận chuyển khi đổi nơi ở.

Catucci và bạn trai Eric Markley đang thuê một ngôi nhà ba tầng trong thành phố giá 1.100 USD một tháng. Họ cũng thuê chiếc giường cỡ lớn, quần áo đi làm và cả dụng cụ sửa chữa từ Home Depote hoặc AutoZone với chi phí 100-200 USD mỗi tháng. Trong những chuyến du lịch, họ sẽ thuê chiếc balo lớn để chứa đồ.

“Bạn bè không tin mọi thứ chúng tôi đang dùng đều là đồ đi thuê. Thậm chí bố mẹ tôi còn phải thốt lên ‘tại sao con có thể sống trong một ngôi nhà mà bản thân không sở hữu thứ gì'”, cô gái 27 tuổi kể.

Brittany Catucci và bạn trai Eric Markley chọn thuê mọi đồ dùng phục vụ cuộc sống thay vì mua mới để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Christie Hemm Klok

Brittany Catucci và bạn trai Eric Markley chọn thuê mọi đồ dùng phục vụ cuộc sống thay vì mua mới để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Christie Hemm Klok

Ngày nay người Mỹ đang theo đuổi xu hướng thuê đồ thay vì mua mới. Nền kinh tế cho thuê đang phát triển hơn bao giờ hết.

Khảo sát mới đây của công ty tài chính cá nhân Credit Karma, 25% người Mỹ cho biết bản thân từng đi thuê đồ. Nhu cầu thuê không giới hạn trong lĩnh vực bất động sản hay nội thất. Các thỏa thuận cho thuê có thể liên quan đến điện thoại di động, ghế sofa dài, giày cao gót, quần áo dành cho bà bầu, đồ dùng của trẻ sơ sinh, cây thông Noel cho đến tác phẩm nghệ thuật.

Nhiều nhà tang lễ ở Mỹ còn cung cấp dịch vụ cho thuê quan tài. Người chết được đặt trong chiếc quan tài sang trọng để bạn bè, người thân đến viếng. Khi tang lễ kết thúc họ sẽ được chuyển đến nơi hỏa táng, còn chiếc quan tài lại phục vụ cho người có nhu cầu.

Tyla Harrington, 36 tuổi, cũng chọn thuê máy ảnh, máy quay phim thay vì mua mới khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao. Trước đây, nữ thợ ảnh và quay phim tự do chỉ sử dụng chiếc máy Sony có giá 1.100 USD. Nhưng 5 năm trước khi một khách hàng yêu cầu phải sử dụng các thiết bị có độ phân giải cao hơn, cô quyết định đi thuê.

Harrington cho biết việc đi thuê máy ảnh và các thiết bị hiện đại như chân máy, ống kính, đèn giúp cô tiết kiệm hàng nghìn USD và luôn khiến khách hàng hài lòng.

Tyla Harrington bên chiếc máy quay đi thuê. Ảnh: Christie Hemm Klok

Tyla Harrington bên chiếc máy quay đi thuê. Ảnh: Christie Hemm Klok

Khi giá bất động sản tại Mỹ ngày càng đắt đỏ, người trẻ chọn thuê thay vì vay nợ để mua nhà. Nắm bắt xu hướng, các dịch vụ cho thuê hàng hóa, vật dụng cũng nở rộ.

Courtney Alev, chuyên viên tư vấn tài chính của Creadit Karma, cho biết thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thuê nhà, hàng hóa và các dịch vụ đi kèm. Ưu điểm là tính thuận tiện nhưng nhược điểm lớn nhất là người dùng không có quyền sở hữu những món đồ đang sử dụng.

Từ bé, Berkley Brooks ở New York được gia đình giáo dục để trở thành người đi thuê hàng hóa chuyên nghiệp. Bố mẹ luôn dặn cô không được mua những món đồ sẽ mất giá trị sau 5 năm sử dụng.

Ngoài thuê nhà, Brooks đang làm hợp đồng thuê điện thoại là chiếc iPhone 13 Pro trong hai năm, giá 28 USD/tháng.

“Tôi không biết mình sẽ chết vào lúc nào và ai sẽ được hưởng tài sản sau khi tôi ra đi, nên cứ đi thuê là xong hết”, cô gái 23 tuổi nói.

Nhiều người Mỹ chọn thuê cả bát đĩa, đồ dùng nhà bếp để tiết kiệm chi phí, không mất công đóng gói, vận chuyển khi đến nơi ở mới. Ảnh: Christie Hemm Klok

Nhiều người Mỹ chọn thuê cả bát đĩa, đồ dùng nhà bếp để tiết kiệm chi phí, không mất công đóng gói, vận chuyển khi đến nơi ở mới. Ảnh: Christie Hemm Klok

Jami Jackson-Cole, 53 tuổi, hiện là giáo viên tiểu học ở bang Oklahoma của Mỹ bắt đầu thuê trang phục đi dạy từ năm 2023, theo gợi ý của con gái.

Mỗi tháng Nuuly – đơn vị cho thuê quần áo – sẽ gửi cho Cole 6 bộ quần áo với giá thuê khoảng 100 USD. Sau khi khách hàng gửi lại, dịch vụ sẽ tiếp tục gửi 6 bộ khác để trang phục đi dạy của cô đa dạng hơn.

“Tôi chán việc phải mặc lại một bộ quần áo nhiều lần nên đi thuê là giải pháp tốt nhất”, Cole nói.

Bên cạnh dịch vụ cho thuê váy dạ hội và trang phục cao cấp, những công ty như Nuuly lại tập trung vào đồ công sở, bao gồm cả quần jean và áo phông. Doanh số trong quý I/2024 của Nuuly tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 224.000 khách hàng. Khảo sát nhiều công ty cho thuê quần áo, đồ nội thất cũng ghi nhận mức doanh thu cao ấn tượng, đặc biệt là những tháng đầu năm 2024.

Minh Phương (Theo WSJ)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *