Chị Ngọc Hà công khai với mọi người rằng vợ chồng không còn tình cảm, hai người chỉ sống chung như “đối tác nuôi con”, nhưng không muốn ly hôn.
Người phụ nữ 47 tuổi, ở Hà Nội thừa nhận gia đình chị hiện “chỉ còn cái vỏ” sau 27 năm kết hôn dù họ từng là thanh mai trúc mã, tình đầu của nhau. Hai người con của anh chị đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Đoạn đường gian khó nhất của hôn nhân gần như đã trải cùng nhau nhưng bỗng nhiên, vài năm gần đây, chồng chị chán vợ. ”Anh ấy nói không còn hứng thú khi gần gũi tôi nữa”, chị kể.
Ngọc Hà nhiều lần thẳng thắn hỏi chồng về những thiếu sót của bản thân. Chị cũng thử thay đổi cách ăn mặc, tập luyện để cơ thể đẹp hơn, sửa cách nói năng, đổi món để chiều chồng, nhưng không đổi được mình trong mắt anh.
Mọi nỗ lực đều chỉ nhận về sự vô cảm, hờ hững, Ngọc Hà đâm chán. Chị dần chai sạn cảm xúc, không giận, không ghen, cũng không ngọt ngào. Không muốn xáo trộn cuộc sống của mình và các con cũng không có nhu cầu bắt đầu một mối quan hệ mới nên chị không ly hôn. Người vợ chọn chung nhà dù hết yêu, không can thiệp vào mối quan hệ hay cuộc sống của anh.
Chục năm nay, vợ chồng anh Đình Cường, 48 tuổi, TP HCM chỉ xem nhau như bạn cùng nhà, thống nhất khi hai con vào đại học thì đường ai nấy đi. Nhưng sau khi con vào đại học, họ lại nghĩ đến chuyện bọn trẻ lập gia đình nên ở chung để đỡ ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con, tránh bị nhà thông gia phán xét.
”Chúng tôi cơm ai người đó ăn, tiền ai người đó giữ”, anh nói. Không can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau nên họ không thấy bị vướng bận hay làm phiền. ”Cứ sống thế, chẳng cần phải ly hôn, ra tòa, chia chác tài sản cho phức tạp”, anh cho biết.
Vợ chồng anh Cường có hôn nhân 25 năm, cũng từng hạnh phúc như nhiều đôi khác. Năm 2012, anh làm ăn thua lỗ nặng. Thấy chủ nợ ngày nào cũng đến quấy rối, vợ anh mang vali về nhà ngoại ở, mặc ba bố con với nhau.
Suốt hai năm liền, chị chỉ thi thoảng xuống thăm con. Anh một mình trả nợ. Mãi khi Cường giải quyết hết nợ chị mới về nhà. Thấy vợ không đồng cam cộng khổ với mình, anh buồn, chán vợ nhưng thương con nên không chọn ly hôn.
Chuyên gia Chử Thị Thanh Hương (TP HCM) cho biết, quan sát hơn 10 năm làm tư vấn về mối quan hệ, tình cảm, hôn nhân, gia đình bà nhận thấy tình trạng vợ chồng chán nhau nhưng vẫn sống chung nhà xuất hiện ngày càng nhiều. Bà từng tư vấn cho nhiều cặp đôi chọn sống chung như hai người bạn, phân chia trách nhiệm tài chính, phân công việc chung, chăm sóc con cái. “Thậm chí họ không cần giấu nhau khi có mối quan hệ với người khác”, bà nói.
Một khảo sát những người đã kết hôn từ 18 đến 55 tuổi tại Hà Nội và TP HCM trong dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị“, năm 2016, cho thấy chỉ 25% cảm thấy “rất hạnh phúc”, trong khi 32% nói hôn nhân của họ “bình thường, không có gì đặc biệt”.
“Có nhiều lý do để bao biện cho việc hết yêu vẫn chung nhà: con cái cần một gia đình, công việc cần hình ảnh, quan hệ xã hội cần một cái vỏ”, bà Thanh Hương nói.
Theo kết quả khảo sát khác của viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE), đa số người tham gia khảo sát giữ quan điểm truyền thống, cho rằng gia đình phải có bố mẹ và con. Vì điều này, nhiều người cố duy trì “vỏ gia đình” trong khi những giá trị “ruột” của nó như tình yêu thương và sự tôn trọng hầu như biến mất.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân, không chỉ sợ con cái phải chứng kiến bố mẹ đường ai nấy đi, nhiều người chọn ở lại với cuộc hôn nhân vì chồng (vợ) có kinh tế tốt, có thể đảm bảo cho người kia và con, không ly hôn thì tài sản không phân tán.
Bà Tâm từng tham vấn cho trường hợp khách hàng nữ có trình độ tiến sĩ, chấp nhận sống chung dù không còn tình cảm vì người này rất giàu có. Anh hứa con vào đại học sẽ mua tặng mỗi đứa một căn nhà, ra trường mua xe hơi. Người vợ đủ tài chính lo cho mình, nhưng không thể chu cấp cho con tài chính tốt như vậy nên chấp nhận ở lại.
Theo các chuyên gia, sống trong cuộc hôn nhân bình phong, dù tỏ ra bình thường thì trong sâu thẳm, hai người đều cảm thấy mệt mỏi, buồn chán. Những đứa con khi chứng kiến cha mẹ như vậy cũng dễ trầm cảm, thiếu động lực trong học hành, mất hình mẫu về một gia đình đúng nghĩa.
Anh Đình Cường mệt mỏi khi phải chịu đựng một cuộc hôn nhân mà về bản chất, anh không còn tôn trọng đối phương. Anh muốn dứt ra để tìm một người cùng mình đi nốt quãng đời còn lại, nhưng không muốn con lúc nhỏ vì bố mà khổ vật chất, lớn lên lại cũng vì bố mà xấu mặt với người xung quanh. “Trong tôi lúc nào cũng giằng co giữa suy nghĩ đi hay ở”, anh nói.
Chị Ngọc Hà thừa nhận hay chạnh lòng khi thấy chồng sửa soạn để đi gặp bạn gái. Chị nhiều lần rơi nước mắt vì mâm cơm dọn ra chỉ mình mình ngồi ăn. Dù tìm khuây trong thú vui mua sắm, cà phê với bạn bè, chị vẫn thấy cuộc sống không trọn vẹn.
Con gái chị chứng kiến cuộc hôn nhân của bố mẹ cũng hoang mang. Cô ”thay người yêu như thay áo” vì luôn thấy hoài nghi, lo sợ tình cảm không bền. “Thắm thiết như bố mẹ rồi cũng có đi đến đâu”, đứa con nói với chị Ngọc Hà.
Bà Thanh Hương cho rằng khi vợ chồng hết tình cảm, nếu không thể vun vén, sưởi ấm lại mối quan hệ thì nên dũng cảm ly hôn. “Đổ vỡ tình cảm hay cưới phải người không phù hợp cũng chỉ là một sai lầm trong đời”, bà nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng trong trường hợp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn không thể giải quyết mà vẫn muốn ở cạnh nhau, nên chọn cách bao dung, tha thứ và chấp nhận khác biệt của đối phương.
“Không món quà nào quý giá với con cái hơn bố mẹ chúng hạnh phúc”, bà Tâm nói, khuyên khi có thể, vợ chồng nên tìm cách sưởi ấm lại mối quan hệ.
Biết những được mất trong cuộc hôn nhân không cảm xúc, nhưng chị Ngọc Hà vẫn chọn ở lại. “Đời tôi chẳng còn bao lâu nữa, nhưng tương lai của con cần đảm bảo”, chị nói.
*Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Phạm Nga