Căn cứ vào chính sách mới từ Nghị định 100, sẽ thấy có sự thông thoáng hơn trong quy định bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH, không nhất thiết phải trong phạm vi dự án mà có thể bên ngoài phạm vi dự án. Đặc biệt, Chính phủ phân quyền cho UBND cấp tỉnh chủ động quyết định, giảm bớt một cấp là tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Một bước cải cách hành chính rất có ý nghĩa, đó là không phải thẩm định giá bán NƠXH tại bước bán hàng nếu doanh nghiệp đề xuất giá bán khi tham gia dự thầu. Quy định này sẽ tập trung vào xây dựng dự án với giá hợp lý nhất, lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cho người mua, thuê nhà.
Doanh nghiệp đầu tư vào dự án NƠXH là đóng góp cho cộng đồng, tuy nhiên đã kinh doanh, tất phải có lợi nhuận, để trả lương cho người lao động và tích lũy. Cho nên, việc ưu đãi 20% diện tích để kinh doanh thương mại hoặc làm nhà ở thương mại cho chủ đầu tư là động lực để doanh nghiệp tham gia dự án.
Doanh nghiệp làm ra sản phẩm thuận lợi thì người dân cũng tiếp cận sản phẩm một cách thuận lợi. Muốn đạt được mục đích đó thì phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, và quy định mới đã bãi bỏ được nhiều rào cản. Đó là bỏ điều kiện người mua phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh, thành phố nơi có dự án. Hoặc trước đây thu nhập hơn mức 11 triệu đồng/tháng không được mua nhà ở xã hội thì nay tăng lên 15 triệu đồng/người/tháng. Mở rộng thêm chỉ 4 triệu đồng, nhưng là cơ hội cho nhiều người tiếp cận với NƠXH.
Thủ tục xác nhận thu nhập cũng rất đơn giản, chỉ cần doanh nghiệp nơi người lao động làm việc hoặc do UBND cấp xã xác nhận nếu mua, thuê NƠXH không có hợp đồng lao động. Người lao động tự do lấy đâu ra pháp nhân để xác nhận thu nhập, chỉ còn chính quyền. Có điều đừng làm khó dân là được.
Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân thì mới tạo ra NƠXH và sản phẩm mới đi vào đời sống.