TP HCMKhi rời nhà và sống tự lập từ năm 18 tuổi, Richard Peter không ngờ có ngày mình ở rể trong một gia đình ba thế hệ ở đất nước châu Á xa xôi.
Sáng sớm, trong ngôi nhà ở quận Tân Phú, Richard nhẹ nhàng lau bàn thờ. Anh nhớ các vị trí để giúp vợ bày hoa và trái cây rồi đốt nhang, gõ nhẹ một tiếng chuông.
Một năm làm rể ở Việt Nam đã giúp người đàn ông quốc tịch Anh thành thục việc thờ cúng của gia đình. “Tôi cảm thấy hạnh phúc và bình an khi cùng vợ làm những điều này”, Richard, 40 tuổi, nói.
Vợ chồng anh gặp nhau lần đầu tiên năm 2014. Chàng trai ngoại quốc khi đó ấn tượng với cô gái Việt là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất có vóc người nhỏ nhắn, nụ cười hiền nên xin số điện thoại, làm quen.
Đầu 2016, Richard trở lại TP HCM quyết tâm theo đuổi Hồng Vân. Họ chính thức yêu nhau từ mùa hè năm đó.
Richard bắt đầu khám phá cuộc sống Việt Nam nhờ bạn gái nhưng lần lượt trải qua những cú sốc văn hóa. Anh ngạc nhiên trước những lần cô phải về nhà trước 22h “theo quy định của gia đình”.
Mỗi lần Hồng Vân đi chơi tối với anh, bố cô luôn thức đợi khóa cổng trong khi mẹ thường xuyên gọi hỏi cô đi cùng ai, bao giờ về. Ở Anh, bố mẹ không can thiệp vào đời sống của con cái kể từ năm chúng 18 tuổi. Nhưng anh hiểu và chấp nhận “nhập gia tùy tục” và tranh thủ đưa bạn gái về sớm.
Khi ông ngoại Vân nằm viện, cô đưa Richard đến thăm. Anh ngạc nhiên khi thấy hàng chục người thân quây quần bên ông, trò chuyện, nắm tay, bón từng muỗng thức ăn. Điều này khác với người già ở Anh, con cháu không ở gần ông bà và người già cũng không muốn điều đó.
“Tôi thấy ấm áp và muốn cuộc sống về già của mình như thế này”, anh kể. Richard nhận ra người Việt Nam luôn tưởng nhớ ông bà hàng năm bằng lễ giỗ trong khi ở quê hương anh, đám tang là lời tiễn biệt cuối cùng.
Anh cảm thấy muốn gắn đời mình với cô gái Việt. Họ kết hôn đầu năm 2020, ở trong căn hộ ở quận Tân Phú, TP HCM. Hai năm sau, Vân mang thai.
Thai nghén vất vả cộng việc chưa có kinh nghiệm nuôi con đầu lòng, Vân bàn với chồng chuyển về nhà mẹ ruột cách đó bốn km để bà chăm sóc. Richard, người đã sống độc lập gần 20 năm, có chút bối rối nhưng vẫn đồng ý.
“Tôi biết mình sẽ thật sự đi vào văn hóa và cuộc sống Việt Nam”, anh nói. Họ để lại căn hộ ở quận Tân Phú vì Richard muốn “ở rể 80%” và 20% thời gian riêng tư.
Trong vài bữa cơm đầu tiên ở rể, người đàn ông Anh ngạc nhiên khi mọi người chủ động gắp đầy thức ăn vào bát mình. Xong bữa, đàn ông đứng lên rời khỏi bàn ăn trong khi phụ nữ rửa bát. Ở xứ Wales quê anh, mọi người phải tự rửa bát đĩa của mình. Vân phải giải thích vì người Việt không ăn theo khẩu phần riêng nên một người thường làm cho tất cả.
Tiếp đến là sự riêng tư. Nhà người Việt ít khi khóa cửa, anh ngơ ngác khi thấy người bán vé số, hàng xóm thường nhìn sang hoặc tự nhiên bước vào trò chuyện. Khi anh ngồi xem TV, bỗng dưng chục người mặc áo lân tự vào nhà nhảy múa. Richard ngạc nhiên, chưng hửng trong khi mọi người đều vui vẻ xem như điềm may.
Vân sinh con đầu tháng 10 năm ngoái, một lần Richard về nhà, anh sốc khi thấy người vợ bôi đầy nghệ vàng. Mẹ Vân tin rằng điều này sẽ giữ ấm cơ thể người phụ nữ trong tháng ở cữ. Mỗi lần Richard bị thương, bố vợ thuyết phục anh xoa bóp bằng rượu ngâm chuột bao tử khiến anh sợ tái mặt.
“Nhưng tôi vẫn không từ chối bởi đó là lòng tốt của bố mẹ”, anh kể. “Tôi nghĩ sự quan tâm là yếu tố quan trọng gắn kết gia đình Việt Nam”.
Ba tháng đầu trôi qua, sự bỡ ngỡ của anh chuyển sang đón nhận và thích nghi. Anh học cách để trở thành rể Việt bằng cách quan sát hành động của mọi người trong nhà.
Bố Vân là người hay theo sau con rể những lần anh rửa tay để lau sạch nước vẩy ra. Ban đầu, Richard ngạc nhiên, ngại ngùng nhưng nhận ra ông làm như thế với mọi người trong gia đình. Ông muốn mình có mặt khi các con cần giúp đỡ.
Anh nhận ra các bà ngoại ở Việt Nam rất sẵn lòng chăm cháu, bằng chứng là mẹ Vân, chăm sóc con gái Maya của họ như người mẹ thứ hai. Bà thức cùng cô thay bỉm, pha sữa, tắm và chơi đùa cùng cháu.
“Ở phương Tây, ông bà yêu cháu nhưng không chăm bẵm từng chút”, Richard kể. “Tôi biết ơn khi con gái mình lớn lên trong gia đình có rất nhiều tình yêu”.
Anh nhờ vợ hướng dẫn cách nhặt rau và tạo thói quen báo với bố mẹ anh sắp đi đâu để họ yên tâm.
Gần một năm ở rể, anh nhận ra điều mình thích ở người Việt Nam là sự hào phóng và tình nghĩa. Cô của Vân ở Mỹ trở về luôn mang túi quà to, chia bánh, kẹo cho tất cả mọi người. Tết Nguyên đán 2024, mẹ Richard ghé thăm gia đình Vân, bà thử xoài cát và khen ngon. Hôm sau, bà ngạc nhiên khi thấy nhà Vân đã gói sẵn 10 kg xoài để bà mang về Anh.
“Người Việt thường sẵn sàng cho đi và không cần nhận lại”, anh kể. Từ đó, mỗi tháng một lần, Richard cùng nhà Vân nấu thức ăn, đóng gói và phát cho người vô gia cư.
Từ cuối tháng 3, Richard quyết định dọn hết đồ đạc của mình sang nhà vợ, bắt đầu “ở rể toàn thời gian”. Vợ chồng anh chỉ về căn hộ vài lần mỗi tháng để dọn dẹp.
“Tôi hiểu đây là điều khá kỳ lạ so với văn hóa phương Tây”, anh nói. “Nhưng tôi luôn cảm thấy ấm cúng mỗi lần trở về nhà”.
Ngọc Ngân