
1/Nhà 51 có kiến trúc kiểu Pháp nên mùa hè, chỉ cần bước qua cánh cửa là cảm nhận được không khí mát lạnh; còn mùa đông sẽ là sự ấm áp khác hẳn thời tiết giá lạnh bên ngoài. Cũng bước qua cánh cửa ấy, bên trái là khu vực của bộ phận bảo vệ, thường trực. Tiếp đến là một khoảng không gian rộng kê bộ sofa, để ấm chén để anh chị em có thể ngồi nói chuyện. Phía trong có 2 cầu thang.
Vẫn nhớ khoảng cách 2 cầu thang khá xa, phòng phóng viên cũng có 2 cửa, mỗi cửa gần với một cầu thang. Thế nên mới có chuyện thỉnh thoảng cánh phóng viên trẻ muốn “trốn” sếp ra ngoài thì lên phòng để túi xách trên bàn làm việc, treo áo lên ghế rồi đi cầu thang sau xuống tầng 1.
Những năm giữa của thập niên 90, thế kỷ trước, về dưới mái Nhà 51, những phóng viên trẻ chăm chỉ đến cơ quan từ sáng sớm, tranh thủ ra phố cổ ăn sáng rồi về nhận việc. Buổi sáng, ra khỏi tòa soạn, rẽ phải là gặp hàng cháo sườn, đi chút nữa rồi rẽ phải sang Lương Văn Can có hàng phở, xôi gà bà béo.
Cách đấy chục mét có bà cụ bán bún măng mọc, bát lúc nào cũng đầy. Vì ngồi vỉa hè, chỉ có ghế nhựa thấp nên khách phải tập cầm bát nóng để ăn. Thế mà vì nước dùng ngon, viên mọc tươi ngọt, măng thơm mà hàng bà lúc nào cũng đông khách. Do vậy, muốn ăn thong thả thì phải đi sớm một chút.
Đến trưa, sang bên kia đường là quán cơm bà Tuyết mà món signature là mắm tép. Cơm bà Tuyết luôn đắt hơn các hàng khác nhưng rất ngon. Bà chỉ xếp 1 chiếc bàn rất thấp, để các món ăn lên đó rồi ngồi ở giữa. Khách ăn gì bà chỉ cần đưa tay theo kiểu vòng cung là lấy đủ đồ cho khách rất nhanh.

Đi lùi về phía Bát Đàn, vẫn trên phố Hàng Bồ, bên trái có hàng cơm bình dân của chị Dung. Cơm của chị Dung không đắt như cơm bà Tuyết nhưng cũng vẫn ngon. Thỉnh thoảng các phóng viên trẻ được các chú, các anh chị dẫn vào quán bún miến ngan ở đoạn cuối phố. Lúc đầu chị ngồi trên vỉa hè, sau chuyển vào nhà trong ngõ. Món hay được mọi người gọi là cổ cánh nhừ. Sau hàng bún miến ngan của chị chuyển về phố Hòe Nhai. Những người nghiện món cổ cánh nhừ vẫn ra đấy ăn.
Kể về Nhà 51 mà không nhắc đến quán bà Nùng thì sẽ là thiếu sót. Nhà bà Nùng ở cách Nhà 51 một số nhà. Phía ngoài cửa bà Nùng bày đủ thứ bánh kẹo, sữa, thuốc lá. Ai muốn uống bia, rượu thì vào hẳn bên trong nhà, có bàn ghế và cả một số loại mồi nhậu đơn giản. Đấy thường là điểm hẹn của các anh, các chú vào giờ ăn trưa hoặc sau giờ làm trang căng thẳng. Câu của anh, các chú hồi đấy thường là “quán bà Nùng nhé”. Còn phóng viên trẻ, hẹn bạn bè thì hay hẹn “cây đa bà Nùng nhé” vì trước cửa nhà bà Nùng có cây đa rất to.
Với cánh chị em thì rất thích mùa na. Vào mùa, các chị bán na lấy hàng từ chợ Long Biên rồi gánh đi bán ở phố cổ. Có tuần chính vụ na, gần như ngày nào mấy chị em phóng viên chỉ mua na để ăn trưa vì ngon và rẻ.
Mỗi năm, sau Tết ông Công, ông Táo, phố phường tấp nập. Lúc ấy, chỉ cần đứng trước cửa Nhà 51 là thấy Tết thật gần.
Người bán vừa đi vừa rao, người mua nhanh tay lựa chọn sắm Tết. Thích nhất là những xe chở mùi già ngang phố. Giữa tiết lạnh của ngày giáp Tết, hương mùi già thơm ngát xua hết sự lo nghĩ đời thường.

2/ Khi mới đến Nhà 51, ai cũng ngạc nhiên thấy mỗi chiều các cô khối hành chính ngồi một góc để lồng báo. Hồi đó, báo phải lồng tay. Cứ xe báo về, các cô lại chia nhau để lồng báo.
Báo lúc đó còn ra cách nhật nên cứ một ngày làm trang ruột, một ngày làm trang vỏ.
Khi báo ra, bác bảo vệ có nhiệm vụ mang báo ra dán ở bảng trước cửa báo. Báo cũng được chia về các ban nhưng các phóng viên, nhất là phóng viên trẻ cứ chờ bác bảo vệ dán báo xong là đứng chúi đầu vào đọc. Tất nhiên, đầu tiên là tìm xem tin, bài của mình có được đăng không, rồi mới đọc đến các bài khác. Đọc đến hết mới thôi.
Không ít lần, sau chuyến công tác không về nhà ngay mà về Nhà 51 gặp gỡ đồng nghiệp, đôi lúc rẽ sang hàng chè chén bà Thái ngồi một lúc, hàn huyên đôi câu chuyện với đồng nghiệp rồi mới về nhà… Buổi trưa, dù có đi họp ở đâu thì cũng về Nhà 51 cất xe rồi mới đi ăn trưa.
Những năm tháng ấy là tuổi trẻ của thế hệ phóng viên 7x.
Cứ thế, chúng tôi được dìu dắt, yêu thương, trưởng thành dưới mái Nhà 51. Để rồi sau này, có người chuyển cơ quan, thỉnh thoảng vẫn về Nhà 51 chơi. Ngày lễ, Tết, những người ở lại Hà Nội kiểu gì cũng chạy xe qua phố Hàng Bồ, đứng từ phía bên kia đường chụp ảnh cánh cửa Nhà 51 đầy yêu thương, giống như chưa xa đã nhớ vậy.