Nguồn cung vật liệu đắp nền dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hiện đang ra sao?

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km hiện đang được đầu tư xây dựng, tổng lượng cát cho dự án này ước tính khoảng 18 triệu m3. Hiện tại, công suất khai thác cát cho dự án chỉ đạt trung bình 15.000m3/ngày, trong khi nhu cầu thực tế là 50.000m3/ngày.

Cập nhật tình hình cung ứng vật liệu cát thi công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau (gồm: Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tính đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khối lượng khai thác 16/19 triệu m3.

Mặc dù vậy, nhà thầu mới chỉ khai thác được tại các mỏ có tổng trữ lượng 12,4 triệu m3. Trong đó, khối lượng đưa về công trường đến nay chỉ được 3,5 triệu m3 cát do bị khống chế công suất khai thác.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km hiện đang được đầu tư xây dựng, tổng lượng cát cho dự án này ước tính khoảng 18 triệu m3

Theo Bộ GTVT, công suất khai thác hiện chỉ đạt trung bình 15.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là 50.000m3/ngày.

“Hiện nay, vẫn còn hơn 3,6 triệu m3 chưa khai thác được chưa khai thác, gồm 0,4 triệu m3 ở tỉnh An Giang đang hoàn thiện thủ tục thỏa thuận giao thông thủy; tỉnh Vĩnh Long còn 3 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp có mỏ An Nhơn trữ lượng còn lại 0,15 triệu m3 nhưng đã dừng khai thác từ tháng 12/2023 để đánh giá lại báo cáo đánh giá tác động môi trường”, Bộ GTVT thông tin.

Liên quan đến việc khai thác cát biển làm vật liệu đắp nền đường giao thông, theo Bộ GTVT, đến nay nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác; Hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản giao diện tích, khu vực khai thác cát biển phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Cụ thể, ngày 7/5/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh Sóc Trăng về chủ trương cấp bản xác nhận khu vực, khối lượng khai thác cho nhà thầu (2 khu vực mỏ) và dự thảo văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác.

Dự kiến, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ cấp bản xác nhận khu vực, khối lượng khai thác trước ngày 15/5/2024. Sau khi được bộ chuyên ngành giao khu vực biển, nhà thầu sẽ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) sẽ có thể khai thác trong tháng 5/2024.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Dự án này được khởi công vào tháng 1/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng.

Theo dự kiến, cao tốc đưa vào khai thác đầu năm 2026 với quy mô 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp (có một số điểm dừng khẩn cấp), nền đường rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/h.

Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được kỳ vọng tạo ra trục dọc “xương sống mới” kết nối nội vùng, liên vùng, đó là thông tuyến cao tốc Bắc – Nam từ TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đến Cà Mau, kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu trong tương lai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *